>>> Những điều cần biết về “Hợp đồng giả cách”
Định nghĩa hợp đồng giả cách
Pháp luật hiện hành không đưa ra khái niệm trực tiếp về “hợp đồng giả cách là gì”,mặc dù vậy, bản chất hợp đồng giả cách là hợp đồng có yếu tố giả tạo, tức là một loại hợp đồng dân sự được xác lập một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba. Hợp đồng giả cách không có giá trị pháp lý, không phát sinh quyền và nghĩa vụ cho các bên.
Căn cứ pháp lý quy định về hợp đồng giả cách: Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Điều 124. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo
1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu”.
Một số ví dụ về hợp đồng giả cách
Làm giả hợp đồng trong mua bán, chuyển nhượng bất động sản
Theo quy định của pháp luật, trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản (chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất) bên bán phải nộp thuế thu nhập cá nhân bằng 2% giá trị bất động sản được chuyển nhượng ghi trong Hợp đồng chuyển nhượng.
Để trốn thuế hoặc giảm số tiền đóng thuế, các bên làm hai Hợp đồng chuyển nhượng, trong đó một Hợp đồng ghi giá trị thật của giao dịch và hợp đồng còn lại – hợp đồng giả thì ghi giá trị nhỏ hơn rất nhiều so với giá trị thật. Các bên công chứng Hợp đồng giả và làm thủ tục sang tên, kê khai và nộp thuế.
Tạo hợp đồng giả trong vay mượn tài sản
Trong quan hệ vay mượn tài sản, để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ, bên cho vay yêu cầu bên vay phải sang tên tài sản (cổ phần, bất động sản…) của mình cho bên cho vay. Nếu đến thời hạn trả nợ, bên vay không trả được nợ thì phía cho vay sẽ có quyền định đoạt đối với tài sản đó.
Trong giao dịch này, hợp đồng vay tài sản là quan hệ dân sự có thật và hợp đồng được pháp luật bảo vệ, còn việc chuyển nhượng, sang tên bất động sản, cổ phần là giả tạo nhằm che giấu cho giao dịch vay mượn, không phải là ý chí mua bán, chuyển nhượng thực, do đó vô hiệu. Tuy nhiên, việc bên bị thiệt hại khởi kiện ra Toà án, chứng minh sự giả tạo trong hợp đồng này và đòi quyền lợi cũng gặp nhiều khó khăn, do đó, cần thực sự tỉnh táo, cách tốt nhất là không nên khi xác lập những hợp đồng như vậy để tránh rủi ro.
Hợp đồng giả cách Tân Hiệp Phát nhằm mục đích trốn thuế
Vào tháng 4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Trần Quý Thanh, Bà Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát để điều tra về tội trốn thuế.
Cụ thể, bà Trần Uyên Phương cùng một số cá nhân khác đã sử dụng tài liệu là các “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” được công chứng ghi nhận không đúng số tiền thực tế chuyển nhượng đối với quyền sử dụng đất.
Từ đó, cơ quan thuế xác định sai số tiền thuế phải nộp qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bên nhận chuyển nhượng là bà Trần Uyên Phương và bên chuyển nhượng là các cá nhân - chủ sử dụng đối với quyền sử dụng đất, thuộc các thửa đất tại phường Hiệp Bình Chánh - TPHCM, gây thất thu số tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước khoảng hơn 5,48 tỉ đồng. Đây chính là hợp đồng giả cách với mục đích trốn thuế.
Không chỉ vậy, các đối tượng tạo lập các hợp đồng giả cách dưới dạng “Đặt cọc”, “Cam kết bán lại” trong việc mua - bán cổ phần để che giấu hành vi cho vay nặng lãi với lãi suất 3%/ tháng, tương đương với 36%/năm.
Hợp đồng giả cách Tân Hiệp Phát nhằm mục đích trốn thuế
Cũng bằng những hợp đồng giả cách dưới dạng đặt cọc và cam kết bán lại để cho vay, Tân Hiệp Phát thực hiện hành vi chiếm đoạt một số dự án mà đối tác cầm cố khi từ chối “quyền mua lại”, từ chối thực hiện “cam kết bán lại” trong hợp đồng giả cách mà hai bên tạo lập. Số tài sản thực tế của dự án bị chiếm đoạt vào khoảng 3000 tỉ đồng.
Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định: Hành vi của Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đây cũng là bài học và cảnh báo cho những người bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất khai giá trị giao dịch thấp hơn giá bán để trốn thuế. Hoặc dùng hợp đồng giả cách (bản chất là giao dịch dân sự vô hiệu) nhằm cho vay lãi, thông qua đó chiếm đoạt, cưỡng đoạt tài sản.
Hành vi lách luật, gài bẫy con nợ trong tình huống bất khả kháng để chiếm đoạt tài sản sẽ đối mặt với nhiều chế tài hành chính, hình sự.
Những rủi ro và hệ lụy khi giao dịch bằng hợp đồng giả cách
Một bên hoặc cả hai bên tham gia ký kết hợp đồng giả cách sẽ phải gánh chịu nhiều rủi ro, hệ luỵ như:
-
Vi phạm pháp luật: Tạo hợp đồng giả, kê khai giá ảo là hành vi phạm pháp, cả hai bên sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự về tội trốn thuế, tùy theo mức độ vi phạm.
-
Thiệt hại về tài sản: Nếu người bán đã chuyển nhượng tài sản nhưng bên mua chưa chuyển tiền hoặc bên mua đã chuyển tiền nhưng bên bán chưa chuyển nhượng, bàn giao tài sản thì bên còn lại sẽ phải chịu thiệt hại và phát sinh thêm chi phí kiện tụng để đòi lại tài sản, tốn thời gian, công sức, tiền bạc.
Đối với trường hợp cho vay lãi cao, tín dụng đen, các bên lập hợp đồng sang nhượng tài sản nhưng mục đích thực sự là quan hệ vay vốn. Việc lập hợp đồng giả cách với mức lãi suất cao, nhiều loại phí phạt do bên cho vay đưa ra sẽ dẫn đến việc bên vay không thể trả hết nợ và mất tài sản.
Hậu quả pháp lý của hành vi lập hợp đồng giả cách là hợp đồng bị vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả lại cho nhau những gì đã nhận, bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người là bên bị thiệt hại, yếu thế không có đủ bằng chứng để chứng minh được hợp đồng là hợp đồng giả cách dẫn đến hệ quả là bị mất tài sản, mất nhà, mất cửa, mất danh dự, gia đình ly tán.
Hình phạt dành cho người ký kết hợp đồng giả cách
Khi có căn cứ để xác định việc lập hợp đồng giả cách thì Toà án căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, tuyên hợp đồng vô hiệu, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Đồng thời, tuỳ vào từng trường hợp, mục đích và mức độ thiệt hại do việc ký kết hợp đồng giả cách, hệ quả pháp lý phải gánh chịu như:
-
Ký kết hợp đồng giả cách vì mục đích trốn thuế: Ký kết hợp đồng giả cách vì mục đích trốn thuế được hiểu là việc các bên trong giao dịch lập hợp đồng giả với giá trị tài sản ghi trong hợp đồng thấp hơn nhiều so với thực tế nhằm mục đích trốn thuế. Tùy theo mức độ vi phạm, số tiền trốn thuế mà cơ quan chức năng sẽ tiến hành truy thu, xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự theo quy định tại điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015.
-
Ký kết hợp đồng giả cách vì mục đích cho vay lãi nặng, chiếm đoạt tài sản: Ký kết hợp đồng giả vì mục đích cho vay lãi nặng, như đã trình bày ở trên, là trường hợp bên cho vay ký kết hợp đồng với bên vay nhưng thực chất là cho vay với mức lãi cao, lấy tài sản nếu bên vay không trả được nợ.
Ký kết hợp đồng giả cách vì mục đích cho vay lãi nặng
Theo quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân có hành vi cho vay với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi 20%/năm (tức cho vay với mức lãi suất vượt quá 100%/ năm thì có thể xem là cho vay lãi nặng), theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, mức hình phạt đối với hành vi trên có thể lên đến 03 năm tù giam. Ngoài ra, còn có thể bị phạt bổ sung: phạt tiền, phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Lưu ý để tránh rơi vào “bẫy” hợp đồng giả cách
Trước tiên, các chủ thể cần phải giữ bình tĩnh, cân nhắc kỹ để có những quyết định sáng suốt, lường trước được những nguy cơ, rủi ro, hậu quả có thể phải gánh chịu nếu vô tình hay cố ý tham gia vào các giao dịch giả tạo. Trong nhiều trường hợp, chủ thể không cố ý, tuy nhiên bị lừa dối tham gia vào giao dịch giả tạo. Nên liên hệ và tham vấn ý kiến từ các chuyên gia pháp lý, luật sư để nhận được lời khuyên phù hợp và cân nhắc xem có nên tham gia các giao dịch đó hay không.
Khi phát hiện mình đã và đang tham gia hợp đồng giả cách, cần thu thập các chứng cứ liên quan đến việc xác lập giao dịch và thực hiện giao dịch để chứng minh được mục đích thực sự của giao dịch và ý chí thực sự của các bên khi tham gia giao dịch. Đây là một vấn đề đầy phức tạp, do đó nên tìm đến sự trợ giúp của luật sư – những người có chuyên môn về luật pháp và có kinh nghiệm xử lý các vụ việc tương tự, bởi trên thực tế, để chứng minh một giao dịch dân sự là “giả tạo” và yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên bố giao dịch giả tạo này là vô hiệu là không hề dễ dàng.
Để hạn chế tình trạng lạm dụng hợp đồng giả cách, mỗi người dân cần nâng cao ý thức về pháp luật, tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng trước khi ký kết. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Tóm tắt và phân tích Bản án số 09/2020/KDTM-PT ngày 04/06/2020 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thuê tàu (11.04.2025)
Phân tích và bình luận bản án số 01/2024/DS-PT ngày 11/01/2024 V/v Tranh chấp hợp đồng tín dụng (11.04.2025)
Tóm tắt và phân tích bản án 1002/2019/KDTM-ST ngày 19/08/2019 về tranh chấp giữa các thành viên trong công ty (11.04.2025)
Tóm tắt và bình luận bản án 71/2023/DS-PT ngày 22/05/2023 về tranh chấp hợp đồng bán đấu giá tài sản, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản (11.04.2025)
Tóm tắt bình luận Án lệ số 21/2018/AL về lỗi và thiệt hại trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê tài sản (11.04.2025)
Luật sư giỏi giải quyết tranh chấp giao hàng không đúng chuẩn loại, không đạt tiêu chuẩn (03.04.2025)
Luật sư giỏi chuyên giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại tại TP.HCM (03.04.2025)
Luật sư tư vấn thủ tục giải thể doanh nghiệp (03.04.2025)