>>> Bảo lãnh vay vốn là gì? Quy định pháp luật và những điều cần biết
>>> Xử lý tài sản bảo đảm khi bảo lãnh vay vốn: Rủi ro và lưu ý pháp lý
Quy định pháp luật về bảo lãnh vay vốn và đấu giá tài sản
Khái niệm bảo lãnh vay vốn theo quy định pháp luật
Theo Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS), bảo lãnh là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Bảo lãnh vay vốn là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ, trong đó người bảo lãnh cam kết với tổ chức tín dụng (bên nhận bảo lãnh) sẽ trả nợ thay cho người vay (bên được bảo lãnh) nếu người vay không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ. Bên bảo lãnh có thể dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với Ngân hàng.
Như vậy, trong quan hệ bảo lãnh, tồn tại ba bên gồm: Bên bảo lãnh (sở hữu tài sản bảo đảm - tài sản đang được đấu giá); Bên nhận bảo lãnh (bên thực hiện đấu giá tài sản để thu hồi vốn đã cấp tín dụng); Bên được bảo lãnh (bên có nghĩa vụ nhưng không thực hiện, dẫn đến hậu quả phải xử lý tài sản bằng việc bán đấu giá)
Điều kiện và trình tự bán đấu giá tài sản bảo đảm
Việc bán đấu giá tài sản bảo đảm phải tuân thủ các quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 (LĐGTS), cụ thể tại chương III từ Điều 33 đến Điều 54. Cụ thể được phân tích như sau:
Về điều kiện bán đấu giá TSBĐ
Thứ nhất, điều kiện đối với tài sản đấu giá:
Tài sản phải thuộc diện được phép bán đấu giá theo quy định của pháp luật, cụ thể là các tài sản tại Điều 4 LĐGTS, đáp ứng điều kiện về quyền sở hữu, quyền với tài sản tại Bộ luật dân sự (BLDS). Tức là tài sản phải hợp pháp, không có tranh chấp, không bị kê biên trái pháp luật. Ngoài ra, tài sản phải có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định, bao gồm giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc tài sản (nếu có). Chẳng hạn như trong trường hợp TSBĐ là quyền sử dụng đất thì một trong những điều kiện để được giao dịch quyền sử dụng đất theo Điều 45 là không có tranh chấp, không bị kê biên, có giấy chứng nhận QSDĐ, thời hạn sử dụng đất phù hợp,....
Thứ hai, điều kiện đối với tổ chức đấu giá
Phải là tổ chức đấu giá tài sản có giấy phép hoạt động hợp pháp theo quy định tại chương II LĐGTS, Điều 23, Điều 25.
Tổ chức đấu giá phải ban hành quy chế đấu giá cho từng tài sản, quy định rõ cách thức tổ chức, nghĩa vụ của các bên liên quan theo quy định tại Điều 24, Điều 34 LĐGTS.
Thứ ba, điều kiện về công khai thông tin đấu giá
Niêm yết công khai: Thông tin đấu giá phải được niêm yết tại trụ sở tổ chức đấu giá, nơi có tài sản đấu giá, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá theo Điều 35 LĐGTS. Niêm yết trong vòng tối thiểu là 7 ngày làm việc trước ngày đấu giá đối với động sản và tối thiểu 15 ngày làm việc trước ngày đấu giá với bất động sản. Nội dung niêm yết: Bao gồm thông tin về tài sản, giá khởi điểm, điều kiện tham gia đấu giá, thời gian, địa điểm đấu giá và phương thức đấu giá.
Thứ tư, điều kiện đối với người tham gia đấu giá
Người được tham gia đấu giá có thể là tổ chức, cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định pháp luật, năng lực hành vi dân sự của chủ thể tham gia đấu giá được xác định theo BLDS, mục I chương III từ Điều 19 đến Điều 24.
Người tham gia đấu giá phải nộp hồ sơ đăng ký hợp lệ và tiền đặt trước theo quy định tại Điều 38, Điều 39 LĐGTS.
Không thuộc các trường hợp bị cấm tham gia đấu giá theo pháp luật, một trong số đó là tại khoản 2 Điều 70 LĐGTS: “2. Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 06 tháng đến 05 năm.”
Người tham gia đấu giá phải nộp hồ sơ đăng ký hợp lệ và tiền đặt trước
Về trình tự bán đấu giá TSBĐ
Bước 1: Chuẩn bị đấu giá
Tổ chức đấu giá: Thực hiện thẩm định hồ sơ tài sản, ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá với chủ sở hữu tài sản.
Ban hành quy chế đấu giá: Quy định cụ thể cách thức tổ chức phiên đấu giá.
Công khai thông tin đấu giá: Tiến hành niêm yết thông tin đấu giá theo đúng thời hạn luật định.
Tổ chức cho người tham gia xem tài sản: Ít nhất 3 ngày làm việc liên tục kể từ ngày niêm yết cho đến trước ngày mở đấu giá theo Điều 36 LĐGTS
Bước 2: Đăng ký tham gia đấu giá
Người có nhu cầu tham gia đấu giá nộp hồ sơ đăng ký theo quy định.
Nộp tiền đặt trước theo mức quy định của tổ chức đấu giá (thường từ 5% - 20% giá khởi điểm).
Ký cam kết tuân thủ quy chế đấu giá.
Trong bước đăng ký tham gia đấu giá, các quy định tại Điều 38, Điều 39 LĐGTS sẽ được áp dụng.
Bước 3: Tổ chức phiên đấu giá
Đấu giá viên điều hành phiên đấu giá theo hình thức đã công bố (đấu giá trực tiếp, đấu giá trực tuyến, bỏ phiếu kín…).
Công bố giá khởi điểm và hướng dẫn người tham gia đấu giá đưa ra giá trả.
Tiến hành đấu giá: Người tham gia trả giá theo quy tắc từng phương thức đấu giá.
Xác định người trúng đấu giá: Là người đưa ra mức giá cao nhất và đáp ứng đầy đủ điều kiện thanh toán.
Trong quá trình Tổ chức phiên đấu giá, các quy định tại Điều 40, Điều 41, Điều 42, Điều 43, Điều 44, Điều 45 LĐGTS sẽ được áp dụng.
Bước 4: Xử lý sau đấu giá
Lập biên bản kết quả đấu giá, có chữ ký của đấu giá viên, người trúng đấu giá và những người liên quan.
Hoàn trả tiền đặt trước cho người không trúng đấu giá.
Người trúng đấu giá thanh toán số tiền còn lại theo thời hạn quy định trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
Bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Trong xử lý sau đấu giá, quy định tại Điều 45 đến Điều 49 LĐGTS sẽ được áp dụng giải quyết.
Nghĩa vụ của tổ chức đấu giá và bên nhận bảo đảm khi xử lý tài sản
Nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tài sản:
-
Công khai và minh bạch: Tổ chức đấu giá phải thông báo rộng rãi về việc bán đấu giá tài sản để nhiều người biết và tham gia. Điều này giúp đảm bảo tài sản được bán với giá tốt nhất, tối đa hóa số tiền thu hồi.
-
Tuân thủ quy trình pháp luật: Việc đấu giá phải được thực hiện theo đúng các bước và quy định của pháp luật, đảm bảo tính hợp pháp và tránh tranh chấp sau này.
-
Bảo vệ quyền lợi các bên liên quan: Tổ chức đấu giá phải đảm bảo quyền lợi của cả người bán (bên nhận bảo đảm) và người mua, tránh các hành vi gian lận hoặc không công bằng.
Nghĩa vụ của bên nhận bảo đảm (ngân hàng):
-
Nghĩa vụ của bên nhận bảo đảm (ngân hàng) trong quá trình xử lý TSBĐ được quy định tại BLDS và Nghị định 21/2021/NĐ-CP, cụ thể:
-
Thông báo trước cho người vay, bên bảo lãnh: Trước khi tiến hành bán tài sản, bên nhận bảo đảm phải thông báo cho người vay,bên bảo lãnh về việc này, cho họ cơ hội để trả nợ hoặc tự thu xếp việc bán tài sản theo Điều 300 BLDS; Điều 51 Nghị định 21/2021/NĐ-CP.
-
Xử lý tài sản đúng quy định: Việc bán tài sản phải được thực hiện theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của pháp luật, đảm bảo công bằng và minh bạch.
-
Thanh toán số tiền thu được: Sau khi bán tài sản, số tiền thu được sẽ được dùng để trả nợ. Nếu còn dư tiền, số tiền này sẽ được trả lại cho người vay; nếu thiếu, người vay, bên bảo lãnh vẫn phải trả phần còn lại theo Điều 307 BLDS.
Khi nào việc bán đấu giá tài sản bị coi là trái luật?
Việc đấu giá tài sản được coi là trái luật khi không tuân thủ các quy định của LĐGTS, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan điều chỉnh vấn đề này. Cụ thể, việc đấu giá tài sản có thể bị coi là trái luật khi có vi phạm về trình tự và sai sót về nội dung.
Vi phạm về trình tự, thủ tục bán đấu giá
Vi phạm về trình tự, thủ tục bán đấu giá là việc các bên, đặc biệt là tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các hành vi như:
-
Không thông báo công khai về việc bán đấu giá;
-
không niêm yết công khai thông tin về tài sản bán đấu giá;
-
không đảm bảo thời gian thông báo, niêm yết theo quy định; tổ chức phiên đấu giá không đúng địa điểm, thời gian đã thông báo.
Việc vi phạm trình tự, thủ tục bán đấu giá có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đấu giá.
Vi phạm trình tự đấu giá có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đấu giá
Thiếu sự đồng ý của người bảo lãnh hoặc bên liên quan
Bán đấu giá tài sản khi chưa có sự đồng ý của người bảo lãnh (trong trường hợp pháp luật yêu cầu). Người bảo lãnh phải biết việc tài sản của mình bị đem ra xử lý để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên được bảo đảm. Điều này giúp bên bảo đảm chủ động tham gia bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu như không thông báo cho bên bảo lãnh, không thực hiện thủ tục liên quan để xác nhận sự đồng ý của bên bảo lãnh thì việc xử lý TSBĐ bằng bán đấu giá có thể vi phạm và phải chịu chế tài dân sự.
Bán đấu giá tài sản khi chưa thông báo cho các bên liên quan khác (nếu có). Thủ tục thông báo trước khi xử lý tài sản là trách nhiệm, là nghĩa vụ của bên nhận bảo đảm khi xử lý tài sản bảo đảm. Nếu bên nhận bảo đảm không thông báo cho các bên liên quan trước khi xử lý TSBĐ có thể phải bồi thường thiệt hại nếu phát sinh thiệt hại cho các bên liên quan theo Điều 300 BLDS.
Bán đấu giá tài sản với giá không phù hợp, gây thiệt hại
Định giá tài sản không đúng giá trị thị trường và bán đấu giá tài sản với giá quá thấp, gây thiệt hại cho người bảo lãnh và các bên liên quan. Trong trường hợp có sai phạm trong định giá tài sản đấu giá, các bên có quyền yêu cầu hủy kết quả đấu giá và thực hiện định giá lại. Bởi lẽ, giá trị của tài sản liên quan chặt chẽ đến quyền lợi của các bên. Nếu việc bán tài sản đấu giá gây thiệt hại cho các bên thì được xem là trái luật.
Quyền lợi của người bảo lãnh khi tài sản bị bán đấu giá trái luật
Yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản
Người bảo lãnh có quyền yêu cầu tòa án hủy kết quả bán đấu giá tài sản nếu chứng minh được việc bán đấu giá có vi phạm pháp luật theo điểm b khoản 5 Điều 9, Điều 72 LĐGTS; Điều 123 BLDS.
Việc yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản có thể làm cho việc xử lý tài sản sau đấu giá bị đình trệ để xác minh các sai phạm, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của các bên.
Khiếu nại, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi
Người bảo lãnh có quyền khiếu nại đến tổ chức đấu giá, ngân hàng hoặc cơ quan có thẩm quyền về các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình bán đấu giá, ngoài ra còn có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo Điều 75 LĐGTS.
Đòi bồi thường thiệt hại nếu có vi phạm gây tổn thất
Người bảo lãnh có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình bán đấu giá đã gây ra tổn thất cho mình. Cơ sở để bồi thường thiệt hại, nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định cụ thể tại Điều 584, Điều 585 BLDS.
Cách xử lý khi phát hiện tài sản bảo lãnh bị bán đấu giá trái luật
Thu thập chứng cứ chứng minh vi phạm trong quá trình đấu giá
-
Thu thập các tài liệu liên quan đến việc bán đấu giá (thông báo bán đấu giá, biên bản đấu giá, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá,...).
-
Ghi nhận các hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá, ngân hàng.
-
Tìm kiếm sự hỗ trợ của luật sư để thu thập chứng cứ.
Gửi đơn khiếu nại đến tổ chức đấu giá, ngân hàng, cơ quan có thẩm quyền
-
Gửi đơn khiếu nại đến tổ chức đấu giá, ngân hàng để yêu cầu giải quyết.
-
Gửi đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền (Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự,...) để yêu cầu can thiệp.
Khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền lợi
-
Nếu khiếu nại không được giải quyết, người bảo lãnh có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Giải pháp phòng tránh rủi ro cho người bảo lãnh vay vốn
Kiểm tra kỹ điều khoản bảo lãnh trong hợp đồng vay
-
Đọc kỹ và hiểu rõ các điều khoản về nghĩa vụ bảo lãnh, quyền và trách nhiệm của các bên.
-
Yêu cầu ngân hàng giải thích rõ các điều khoản chưa rõ ràng.
Giám sát quá trình xử lý tài sản bảo đảm
-
Theo dõi sát sao quá trình xử lý tài sản bảo đảm.
-
Tham gia các phiên đấu giá (nếu có thể) để đảm bảo tính công khai, minh bạch.
-
Yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin đầy đủ
Nhờ luật sư tư vấn để đảm bảo quyền lợi pháp lý
-
Tìm kiếm sự tư vấn của luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo lãnh vay vốn và đấu giá tài sản.
-
Luật sư sẽ giúp người bảo lãnh hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời đưa ra các giải pháp bảo vệ quyền lợi hiệu quả.
Người bảo lãnh vay vốn hoàn toàn có quyền lên tiếng và yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình khi tài sản bảo đảm bị bán đấu giá trái luật. Trong những trường hợp này, việc hiểu rõ quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng bảo lãnh cũng như quy trình xử lý đấu giá là yếu tố then chốt để bảo vệ lợi ích hợp pháp. Nếu phát sinh tranh chấp, người bảo lãnh nên nhanh chóng liên hệ với luật sư để được tư vấn, thu thập bằng chứng, và thực hiện các bước pháp lý phù hợp nhằm yêu cầu tuyên hủy kết quả đấu giá, khởi kiện ra tòa hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền can thiệp. LHLegal sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng một cách hiệu quả và đúng luật.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Vì sao ngân hàng muốn thu giữ tài sản đảm bảo kể cả không có thỏa thuận (16.03.2025)
Nghĩa vụ của ngân hàng khi xử lý tài sản bảo đảm (14.03.2025)
Quy định về thế chấp bất động sản và việc xử lý tài sản thế chấp trong hợp đồng tín dụng ngân hàng (09.12.2024)
Tổ chức tín dụng là gì? Các loại hình tổ chức tín dụng theo quy định pháp luật (06.12.2024)
Không có chuyện Ngân hàng cấm cho vay mua nhà hình thành trong tương lai từ ngày 01/7/2024 (01.02.2024)
Ngân hàng thương mại tại Việt Nam hoạt động dưới hình thức nào? (21.02.2023)