>>> Phân tích và bình luận bản án số 01/2024/DS-PT ngày 11/01/2024 V/v Tranh chấp hợp đồng tín dụng
>>> Tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng
A. Tóm tắt vụ án
Nguyên đơn:
Ngân hàng N.
Địa chỉ trụ sở chính: Đường L, phường T, quận B, Thành phố Hà Nội.
Bị đơn:
1. Ông Trần Phi H;
2. Bà Nguyễn Diệu T;
3. Anh Trần Đình H;
4. Cụ Vũ Thị K;
Cùng địa chỉ: Đường X, khu T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn.
5. Anh Nguyễn Đại P.
Địa chỉ: Đường X, khu T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn.
Địa chỉ: Phố Đ, phường P, quận Đ, Thành phố Hà Nội;
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Trần Đình P.
Địa chỉ: Đường C, khu A, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn;
2. Bà Trần Tuyết L.
Địa chỉ: Đường X, khu T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn;
3. Bà Lê Thị H.
Địa chỉ: Khu T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Địa chỉ: Thôn D, xã S, huyện H, tỉnh Lạng Sơn;
4. Ông Trần Văn K (chết ngày 19/6/2023).Cụ Vũ Thị K kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Trần Văn K
Địa chỉ: Đường X, khu T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn;
Bà Lê Thị H.
Địa chỉ: Khu T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Chỗ ở: Thôn D, xã S, huyện H, tỉnh Lạng Sơn;
Chị Trần Thị Mai P.
Địa chỉ: Đường B, khu C, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn;
Anh Trần H.
Địa chỉ: Đường X, Khu T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn;
5. Ông Trần N.
Địa chỉ: Đường N, phường T, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
6. Bà Trần Kim H.
Địa chỉ: Khu T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Chỗ ở: Thôn R, xã Đ, huyện H, tỉnh Lạng Sơn;
7. Ông Trần Đình T.
Địa chỉ: Xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An;
8. Bà Trần Thu H.
Địa chỉ: Thôn G, xã G, huyện Q, tỉnh Bắc Ninh;
9. Ủy ban nhân dân thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn
- Người kháng cáo: Bà Trần Thu H, là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Xem chi tiết bản án tại đây
Tình tiết vụ án:
Cụ Trần Đình P1 (1934, chết ngày 01/9/2021) là chồng cụ Vũ Thị K (sinh năm 1934). có 08 người con: Ông Trần Đình P, bà Trần Tuyết L, ông Trần Văn K, ông Trần N, bà Trần Kim H, ông Trần Đình T, bà Trần Thu H, ông Trần Phi H.
Ông Trần Phi H có vợ là bà Nguyễn Diệu T, có con là anh Trần Đình H là con trai của vợ chồng họ.
Ông Trần Văn K có vợ là Bà Lê Thị H. Họ có 02 người con là chị Trần Thị Mai P và anh Trần H.
Ngày 19/6/2023, ông Trần Văn K chết.
Bà Trần Thu H có con trai là anh Nguyễn Đại P.
Ngày 15/11/1993, ông Trần Đình P1 được Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số đối với thửa đất số 78 huyện H, tỉnh Lạng Sơn với tổng diện tích 2.230m2; trong đó có 180m2 đất ở và 2.050m2 đất vườn.
Ông Trần Phi H được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 14K8002937 do Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện H, tỉnh Lạng Sơn cấp để kinh doanh mua bán xe ô tô. Do cần vay vốn nên ông Trần Phi H và gia đình đã nhiều lần vay tiền tại các Ngân hàng để thực hiện việc kinh doanh, trong đó có Ngân hàng Agribank và cụ Trần Đình P1, cụ Vũ Thị K đã thế chấp bằng quyền sử dụng đất của thửa đất số 78 để đảm bảo các khoản vay.
Ngày 12/5/2021, cụ Trần Đình P1, cụ Vũ Thị K, bà Nguyễn Diệu T, anh Trần Đình H, anh Nguyễn Đại P đã ký Hợp đồng ủy quyền cho ông Trần Phi H để ông Trần Phi H có toàn quyền xác lập, thực hiện các giao dịch trong quan hệ cấp tín dụng, quan hệ giao dịch bảo đảm tiền vay và các giao dịch khác với Ngân hàng Agribank, hợp đồng uỷ quyền được chứng thực.
Ngày 12/5/2021, đại diện Ngân hàng Agribank và ông Trần Phi H tiến hành ký kết Hợp đồng tín dụng số 8414-LAV-202102088: Vay 3.000.000.000đồng; thời hạn 12 tháng; Khoản vay được bảo đảm Hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng thửa đất số 78 (Hợp đồng thế chấp số 8414-LCP- 202100411 ngày 12/5/2021), có đăng ký giao dịch bảo đảm, đã thực hiện giải ngân vốn vay.
Ngày 20/6/2021, cụ Trần Đình P1 lập văn bản viết tay không có người làm chứng, không có chứng thực để chia di sản thừa kế là thửa đất số 78 .
Ngày 30/7/2021, có bản Di chúc đánh máy của cụ Trần Đình P1 có chữ ký, họ tên của cụ Trần Đình P1, nhưng bà Vũ Thị K không ký, không ghi họ tên. Người làm chứng là ông Lý Mạnh T và ông Đỗ T, không có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền cũng để chia di sản là thửa đất số 78;
Ông Trần Phi H vi phạm cam kết thanh toán nợ, mới trả được lãi đến hết ngày 25/8/2021 là 82.849.315 đồng và không thanh toán thêm được một khoản tiền nào khác, không tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm để tất toán nợ.
Nguyên đơn Ngân hàng Agribank yêu cầu các bị đơn phải trả cho Ngân hàng Agribank số tiền gồm nợ gốc, nợ lãi, nợ lãi quá hạn và lãi suất phát sinh tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 3.580.685.000 đồng.
B. Quan điểm pháp lý của các bên
Nguyên đơn
Ông Trần Phi H vi phạm cam kết thanh toán nợ, mới trả được lãi đến hết ngày 25/8/2021 là 82.849.315 đồng và không thanh toán thêm được một khoản tiền nào khác, không tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm để tất toán nợ dù ngân hàng đã nhiều lần thông báo.
Nguyên đơn Ngân hàng Agribank yêu cầu các bị đơn phải trả cho Ngân hàng Agribank số tiền gồm nợ gốc, nợ lãi, nợ lãi quá hạn và lãi suất phát sinh tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 3.580.685.000 đồng.
Bị đơn
Các bị đơn nhất trí với toàn bộ các ý kiến, yêu cầu của Ngân hàng Agribank đã đưa ra. Do không còn khả năng thanh toán nên đề nghị Ngân hàng Agribank xử lý bán toàn bộ tài sản theo hợp đồng thế chấp đã ký kết để lấy tiền trả nợ.
Tòa án
(1) Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 01/2023/KDTM-ST (sửa chữa, bổ sung ngày 22/3/2023) của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định:
-
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ngân hàng Agribank: buộc các bị đơn có nghĩa vụ liên đới thanh toán cho Ngân hàng Agribank tổng số tiền 3.580.685.000 đồng
-
Nếu sau khi xử lý tài sản đảm bảo mà không đủ thi hành khoản nợ thì ông Trần Phi H có trách nhiệm thanh toán hết toàn bộ khoản nợ.
=> Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thu H kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm đề nghị cấp phúc thẩm giám định chữ ký của cụ Trần Đình P1 tại Hợp đồng ủy quyền, Hợp đồng thế chấp trong hồ sơ vay vốn mà nguyên đơn đang khởi kiện; đề nghị hủy Bản án sơ thẩm.
(2) Tại Bản án phúc thẩm số 06/2023/KDTM-PT ngày 25/07/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn quyết định:
-
Không chấp nhận kháng cáo của bà Trần Thu H; giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm;
-
Bà Trần Thu H chịu 2.000.000 đồng tiền án phí phúc thẩm.
C. Phân tích bản án
Tóm tắt Nhận định và phán quyết của Hội đồng xét xử sơ thẩm
(Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 01/2023/KDTM-ST (sửa chữa, bổ sung ngày 22/3/2023 của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn)
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ngân hàng Agribank:
-
Ông Trần Phi H, cụ Vũ Thị K, bà Nguyễn Diệu T, anh Trần Đình H, anh Nguyễn Đại P có nghĩa vụ liên đới thanh toán cho Ngân hàng Agribank tổng số tiền 3.580.685.000 đồng
-
Trường hợp không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ, Ngân hàng Agribank có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp là thửa đất số 78, hoàn trả số tiền công sức đóng góp, hình thành tài sản trên đất cho vợ chồng ông Trần Văn K với tổng số tiền là 165.000.000 đồng.
Nếu sau khi xử lý tài sản đảm bảo mà không đủ thi hành khoản nợ thì ông Trần Phi H có trách nhiệm thanh toán hết toàn bộ khoản nợ.
Tóm tắt Nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm
Về yêu cầu giám định chữ ký:
-
GCN thửa đất số 78 đứng tên cụ Trần Đình P1 cấp đúng thẩm quyền, không có biến động. Cụ Trần Đình P1 và cụ Vũ Thị K đã 4 lần ký hợp đồng thế chấp với Ngân hàng Agribank mà không hề có tranh chấp, đăng ký và xoá thế chấp đúng quy định.
-
Hợp đồng ủy quyền và Hợp đồng thế chấp được ký khi cụ Trần Đình P1, Vũ Thị K hoàn toàn minh mẫn, tỉnh táo.
-
Bà Trần Thu H không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh cụ Trần Đình P1 và cụ Vũ Thị K không có mặt khi ký hợp đồng ủy quyền UBND thị trấn.
→ Có đủ căn cứ không chấp nhận việc trưng cầu giám định của bà Trần Thu H.
Yêu cầu Hủy bản án sơ thẩm:
-
Cụ Trần Đình P1, cụ Vũ Thị K, ông Trần Phi H, bà Nguyễn Diệu T, anh Trần Đình H, anh Nguyễn Đại P có đầy đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự, tự nguyện ký vào Hợp đồng ủy quyền, chứng thực theo luật định.
-
Ngân hàng và ông Trần Phi H ký Hợp đồng tín dụng vay số tiền 3.000.000.000đồng đúng quy định pháp luật dân sự, tín dụng nên hợp đồng trên có hiệu lực pháp luật.
-
Ngân hàng Agribank đã thực hiện đúng nghĩa vụ giải ngân, thực hiện đúng nghĩa vụ thông báo khi bên vay không trả nợ, tuy nhiên, phía gia đình ông Trần Phi H không trả nợ và không tự nguyện bàn giao tài sản nên yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ.
-
Hợp đồng thế chấp được ký kết đúng pháp luật nên có hiệu lực pháp luật.
-
Về việc xử lý tài sản bảo đảm là đúng quy định của pháp luật. Thoả thuận giữa các bên về thanh toán là tự nguyện
→ Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, đúng pháp luật.
Phán quyết của Hội đồng xét xử phúc thẩm
-
Không chấp nhận kháng cáo của bà Trần Thu H; giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm số 01/2023/KDTM-ST của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn;
-
Bà Trần Thu H chịu 2.000.000 đồng tiền án phí phúc thẩm.
Cơ sở pháp lý:
-
Điều 307, 317, 318, 319, 320, 321, 322, khoản 1 Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015;
-
Khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
D. Bài học rút ra từ vụ án so với quy định pháp luật, khuyến nghị
Từ vụ án trên, một số bài học rút ra như sau:
Thứ nhất, việc thực hiện hợp đồng trước đó của các bên cũng có thể làm căn cứ để xem xét tính hiệu lực của hợp đồng sau này
Trong bản án trên, tại phần nhận định của Toà án:
“Thửa đất số 78 trước khi thực hiện thế chấp để đảm bảo khoản vay với Ngân hàng Agribank trong vụ án này thì cụ Trần Đình P1 và cụ Vũ Thị K đã nhiều lần ký kết hợp đồng thế chấp (04 lần) với các Ngân hàng trong đó có Ngân hàng Agribank và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Chi nhánh Lạng Sơn từ năm 2008 đến ngày 05-5-2021 mà không hề có tranh chấp, khiếu kiện gì trong nội bộ gia đình, với các Ngân hàng, với người thứ 3 hoặc những người có đất xung quanh liền kề. Tất cả 04 lần thế chấp này đều được đăng ký, xóa thế chấp theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Như vậy, ngoài việc xem xét các bên có thực hiện đúng thủ tục theo quy định của pháp luật hay không, Toà án cũng xem xét “tiền lệ thực hiện hợp đồng” giữa các bên, có tranh chấp, xung đột trong quá khứ/hợp đồng tương tự trước đó hay không, đảm bảo ra phán quyết có lý, có tình, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên.
Tòa án sẽ xem xét các bên có thực hiện đúng thủ tục không, có tranh chấp, xung đột trong quá khứ không,...
Thứ hai, nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự
Trong phần nhận định của Toà án cấp phúc thẩm có nêu:
“Hơn nữa, bà cũng không có mặt khi anh Nguyễn Đại P ký Hợp đồng ủy quyền, mà chỉ nghe anh Nguyễn Đại P kể lại, trong khi bà và anh Nguyễn Đại P có quan hệ thân thích là mẹ - con”.
Bà Trần Thu H cho rằng chữ ký tại văn bản uỷ quyền không phải chữ ký của cụ Trần Đình P1 nên đề nghị giám định chữ ký trên, tuy nhiên bà không có chứng cứ nào khác ngoài lời kể, lời khai của anh P là con trai bà H nên không được hội đồng xét xử chấp nhận.
Điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành quy định:
“Điều 93. Chứng cứ
Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.
“Điều 94. Nguồn chứng cứ
Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;
2. Vật chứng;
3. Lời khai của đương sự;
4. Lời khai của người làm chứng;
5. Kết luận giám định;
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;
8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập;
9. Văn bản công chứng, chứng thực;
10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định”.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, để được xem là chứng cứ trong vụ việc dân sự phải đáp ứng thuộc tính hợp pháp, hợp lệ và liên quan trực tiếp đến vụ án, nếu không đáp ứng một trong những thuộc tính này thì không được xem là chứng cứ.
Bản án số 06/2023/KDTM-PT đã làm rõ các nguyên tắc pháp lý quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm. Qua đó, có thể thấy rằng việc soạn thảo, ký kết hợp đồng cần đảm bảo đầy đủ các điều kiện pháp lý, đặc biệt là tuân thủ chặt chẽ quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Các tổ chức tín dụng đang có hiệu lực và các văn bản hướng dẫn liên quan. Đồng thời, khi phát sinh tranh chấp, các bên cần có sự hợp tác thiện chí và tuân thủ đúng trình tự tố tụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Đối với ngân hàng, việc thực hiện đúng quy trình xử lý tài sản bảo đảm không chỉ giúp thu hồi nợ hiệu quả mà còn tránh được các rủi ro pháp lý kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Xử lý tài sản bảo đảm bị kê biên trong vụ án hình sự - Quy trình và giải pháp (24.03.2025)
Quy định mới về việc mua cổ phiếu quỹ của tổ chức tín dụng bởi nhà đầu tư nước ngoài từ 19/5/2025 (24.03.2025)
Những lưu ý quan trọng khi ngân hàng thực hiện bán đấu giá khoản nợ (21.03.2025)
Ngân hàng khó bán đấu giá tài sản dù đã “Đại hạ giá” nhiều lần - Nguyên nhân & giải pháp (21.03.2025)
Tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng (21.03.2025)
Các vướng mắc khi ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm đang tranh chấp, tài sản bị kê biên (21.03.2025)
Một loạt ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm (21.03.2025)
Ngân hàng Nhà nước đề xuất tài sản bảo đảm không bị kê biên trong xử lý nợ xấu (16.03.2025)