>>> Chân dung 22 bị can trong đại án chuyến bay giải cứu
Tóm tắt diễn biến vụ án
Vụ “chuyến bay giải cứu” công dân trở về nước là bê bối nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19 năm 2020 và 2021, xảy ra tại các cơ quan chính phủ Việt Nam.
Trong bối cảnh từ 2020, đại dịch COVID-19 lây lan, Việt Nam tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế. Kể từ đó, người lao động, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc và người Việt ở nước ngoài muốn về nước phải đi bằng các chuyến bay giải cứu (hay còn được gọi là chuyến bay hồi hương). Khi đại dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng trên thế giới, Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến bay để giải cứu công dân mắc kẹt ở nước ngoài.
Tháng 11/2020, Chính phủ Việt Nam tổ chức thí điểm hơn 10 chuyến bay tự nguyện, trả phí toàn bộ và giao tổ công tác của 4 bộ ngành QP, Ngoại giao, Y tế, Công an. (theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao giai đoạn 1). Đầu 2020 đến tháng 01/2022 – từ khi dịch Covid 19 bùng phát, đã tổ chức hơn 1000 chuyến bay với hơn 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước.
Khi các chuyến bay được mở, nhiều người phải mua vé rất đắt và thủ tục rườm rà, chỉ được thông báo sát giờ bay. Nhiều người lên tiếng đặt câu hỏi về giá vé máy bay giải cứu đắt đỏ.
Theo như giải thích tại báo tuổi trẻ, giá vé máy bay giải cứu được chia thành hai loại. Loại thứ nhất là miễn phí, do nhà nước hỗ trợ vé máy bay và cách ly tại căn cứ do quân đội hỗ trợ.
Loại thứ hai là vé máy bay combo, người dân vẫn được hỗ trợ bay từ nước ngoài về trong đợt dịch, nhưng họ phải tự trả tiền máy bay và tiền cách ly ăn ở khi về nước.
Trao đổi với báo tuổi trẻ, các hãng bay giải thích rằng: Giá vé combo đắt hơn bình thường do chi phí đặc biệt và quy định khắt khe về phòng chống dịch, khiến các hãng bay phải đầu tư nhiều nguồn lực để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn:
Chẳng hạn, Mỹ không phải điểm đến thường lệ của VietNamairline, việc xin phép bay phải trải qua nhiều khâu, thủ tục phức tạp, không thể quá cảnh sang nước thứ ba, các phi công, tiếp viên phải cách ly sau chuyến bay 14 ngày, mọi chi phí do hãng chi trả, ngừng hãng bay 2 – 3 ngày để bảo dưỡng, thay màng lọc khử khuẩn, chi phí ăn uống cũng tăng cao rất nhiều lần. Do đó, giá vé máy bay cao gấp đôi là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, nhiều người đã thể hiện sự bất bình và phiền lòng trước sự tăng giá vượt mức bình thường. Nhiều người chia sẻ giá vé thậm chí cao gấp 10 lần bình thường.
Sau nhiều ý kiến phản ánh, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và phát hiện: Từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, rất nhiều cán bộ cấp cao tại Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế đã lợi dụng chức vụ để gây ra sai phạm trong việc xét duyệt, cho phép các công ty thực hiện chuyến bay giải cứu nhằm trục lợi cá nhân. Vụ việc đã kéo theo hàng loạt sự khởi tố và bắt giữ những cán bộ và doanh nghiệp liên quan.
Nhiều cán bộ cấp cao tại Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế đã lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân
Số tiền nhận hối lộ xấp xỉ 165 tỉ đồng. Gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng. Doanh nghiệp đưa hối lộ hơn 226 tỉ. Tính đến giai đoạn 1 của vụ án (tháng 7/2023) có khoảng 25 bị cáo bị đưa ra xét xử, rất nhiều trong số đó chưa thành khẩn khai báo.
Ở giai đoạn 1 của vụ án, ngày 27/12/2023, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ “chuyến bay giải cứu” xét xử các bị cáo có kháng cáo. Trong đó y án chung thân đối với 3 bị cáo, các bị cáo còn lại lãnh án từ 20 năm tù đến 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm, xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Ngày 24/12/2024, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2. Ở giai đoạn này, có 17 bị cáo phải ra hầu tòa liên quan tới các hành vi “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Kết quả phiên toà sẽ tiếp tục được cập nhật.
Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích các vấn đề pháp lý liên quan đến các tội danh đã được đem ra xét xử ở giai đoạn 1.
Phân tích pháp lý
Cấu thành tội phạm
a. Tội nhận hối lộ
-
Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ Bộ Y tế) tù chung thân;
-
Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) tù chung thân;
-
Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) tù chung thân;
-
Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) 9 năm tù;
-
Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) 14 năm tù (án sơ thẩm 16 năm tù);
-
Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) 10 năm tù (án sơ thẩm 12 năm tù);
-
Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) 5 năm tù (án sơ thẩm 6 năm tù);…vv
Phân tích hành vi:
Cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng cùng 20 cựu quan chức, cán bộ của bốn bộ ngành, văn phòng Chính phủ và hai địa phương có hành vi nhận hối lộ 515 lần với tổng số tiền lên đến 165 tỉ đồng, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng.
Căn cứ Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”.
Các bị cáo là người có chức vụ quyền hạn, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, phạm tội với lỗi cố ý, thiệt hại gây ra đủ cấu thành Tội nhận hối lộ tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
b. Tội đưa hối lộ
Các bị cáo phạm Tội đưa hối lộ chủ yếu là đại diện doanh nghiệp:
-
Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Thái Hòa);
-
Phạm Bích Hằng (Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Quốc tế);
-
Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky);
-
Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Blue Sky);
-
Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty An Bình);
-
Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty Minh Ngọc);
-
Lê Văn Nghĩa (cựu Giám đốc Công ty Nhật Minh);
-
Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty MasterLife);
-
Lê Thị Ngọc Anh (cựu cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng).
Các bị cáo phạm Tội đưa hối lộ chủ yếu là đại diện doanh nghiệp
Phân tích hành vi:
Trong vụ án này, không thể không nhắc tới vai trò của đại diện các doanh nghiệp. Cụ thể, qua quá trình cơ quan chức năng điều tra, các bị cáo khai nhận, 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỉ đồng.
Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“Tội đưa hối lộ
1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.
7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”.
c. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam ở Malaysia) từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, Đại sứ quán tại Malaysia tổ chức 8 “chuyến bay giải cứu” đưa 1.891 người chấp hành xong án phạt tù ở 19 trại chờ về nước.
Đại sứ quán tại Malaysia đã thu của mỗi người mãn hạn tù 20,3 triệu đồng. Ai không có hộ chiếu phải nộp cho Đại sứ quán 25 triệu đồng. Với những người ở đảo xa, cần mua vé máy bay về Thủ đô Kuala Lampur sẽ phải nộp từ 30 đến 35 triệu đồng một người. Trong đó, riêng khoản cấp hộ chiếu, một số bị cáo ở Đại sứ quán thu hơn 4,6 triệu đồng một cuốn, nhưng chỉ nộp về ngân sách 1,6 triệu đồng một cuốn.
Với gần 1.900 người mãn hạn tù được tham gia “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Thái và cấp dưới thu 44,6 tỉ đồng, nhưng các chi phí chỉ mất 33 tỉ, còn thừa hơn 11 tỉ đồng. Số tiền này, bị cáo Thái cùng cấp dưới giữ lại 5 tỉ đồng tại Đại sứ quán, số tiền còn lại chia nhau.
Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm….”
Bị cáo Trần Việt Thái là cựu Đại sứ Việt Nam ở Malaysia, là người có chức vụ quyền hạn, lợi dụng chức vụ của mình, làm trái công vụ thu lợi bất hợp pháp, gây thiệt hại 11 tỉ đồng. Bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức rõ tính trái pháp luật hình sự của hành vi nhưng vẫn thực hiện.
Bị cáo Trần Việt Thái
d. Tội môi giới hối lộ
-
Bị cáo Phạm Thị Kim Ngân (cán bộ Tạp chí Thanh tra);
-
Nguyễn Anh Tuấn 4 năm tù (cựu PGĐ Công an thành phố Hà Nội);
-
Trần Quốc Tuấn (Cựu GĐ Công ty cổ phần xúc tiến Thương mại và Du lịch Việt Nam);
-
Bùi Huy Hoàng (Cựu chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế).
Phân tích hành vi:
Điều 365 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“Tội môi giới hối lộ
1. Người nào môi giới hối lộ mà của hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Của hối lộ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng…”.
04 cá nhân trên đã môi giới hối lộ 74 tỉ đồng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan nhà nước, tạo dư luận xấu trong nhân dân.
Trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan
Trong các phiên toà 12 – 15 /7/2023, các bên đổ lỗi, thoái thác trách nhiệm cho nhau.
Đại diện các doanh nghiệp khẳng định mình bị ép phải đưa hối lộ, tức là những khoản chi “bôi trơn”, như một luật ngầm. Nếu như điều kiện cần để các chuyến bay được cất cánh là giấy phép, thì các khoản chi “bôi trơn” cho các lãnh đạo là điều kiện đủ.
“…nhưng vì lần đầu tiên đã bị ép phải đưa rồi, cho nên lần sau cứ thể mà phải đưa thôi. …cứ thế như một thông lệ”
(trích lời khai bị cáo Trần Thị Mai Xa - Giám đốc Công ty Master life trình bày tại phiên tòa ngày 14/7/2023).
Tại phiên tòa ngày 12/7/2023, khi hội đồng xét xử chất vấn về việc ép các doanh nghiệp đưa hối lộ để được cấp trên chấp thuận, phê duyệt các chuyến bay, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế là ông Phạm Trung Kiên phủ nhận lời khai của đại diện doanh nghiệp.
“Tất cả mức chi và hình thức chi đều do các doanh nghiệp chủ động đề xuất. Có rất nhiều căn cứ khách quan có thể khẳng định và chứng minh cho bị cáo về điều này. Bị cáo có hai nội dung liên quan đến việc nhận tiền: Liên quan đến chuyến bay combo, bị cáo nhận tiền khoảng 27 tỉ. Liên quan đến khách lẻ về nước, bị cáo nhận tiền khoảng 15 tỉ. Tổng cộng là khoảng 42 tỉ đồng”. (Lời khai của bị cáo Phạm Trung Kiên tại phiên tòa xét xử ngày 14/7/2023).
Toà án sơ thẩm, phúc thẩm xác định trách nhiệm thuộc về tất cả các bên, tuyên án nghiêm khắc, đảm bảo đúng người đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo tính răn đe.
Tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ
Trong vụ án trên, nhiều bị cáo thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả, tình nguyện khai báo. Tuy nhiên, cũng có nhiều bị cáo quan co, chối tội, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy giữ chức vụ cao nhưng vẫn khẳng định do bản thân “thiếu hiểu biết”.
Quá trình cân nhắc khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã đề cập xem xét bối cảnh, hoàn cảnh điều kiện phạm tội; nhân thân của bị cáo và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử xem xét, nhận định tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Tô Anh Dũng, Đỗ Hoàng Tùng, Trần Văn Tân tiếp tục thể hiện thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, đồng thời xuất trình tài liệu mới.
4 bị cáo từ trái qua: Tô Anh Dũng, Nguyễn Quang Linh, Chử Xuân Dũng và Trần Văn Tân
Các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky), Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Blue Sky), Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty An Bình), Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty Minh Ngọc), Lê Văn Nghĩa (cựu Giám đốc Công ty Nhật Minh), Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty MasterLife), Lê Thị Ngọc Anh (cựu cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng), Phạm Thị Kim Ngân (cán bộ Tạp chí Thanh tra) thực hiện hành vi phạm tội đưa hối lộ có một phần do sự gây khó khăn của các bị cáo là cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước; là nạn nhân của "cơ chế xin - cho", để khuyến khích người đưa hối lộ tố giác tội phạm, phản ánh tình trạng nhũng nhiễu của các cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước, có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Mặt khác, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ án, số tiền đưa hối lộ không lớn, đã tự nguyện nộp lại toàn bộ hoặc phần lớn số tiền bị truy thu.
Do đó, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân, thái độ chấp hành pháp luật. Từ đó, Tòa phúc thẩm quyết định giảm hình phạt cho các bị cáo.
Hình phạt
Kết quả tại phiên tòa sơ thẩm ngày 11-28/7/2023 và phiên toà phúc thẩm ngày 27/12/2023, hình phạt cuối cùng mà Tòa tuyên như sau:
-
Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ Bộ Y tế) tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”;
-
Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”;
-
Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”;
-
Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”;
-
Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Thái Hòa) 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Đưa hối lộ”;
-
Phạm Bích Hằng (Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Quốc tế) 20 tháng tù về tội “Đưa hối lộ”;
-
Nguyễn Tiến Mạnh (Cựu PGĐ Công ty cổ phần thương mại Du lịch Lữ Hành Việt) 7 năm tù về tội “Đưa hối lộ”;
-
Hoàng Anh Kiếm (Tổ 6 phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội) 6 năm tù về tội “Đưa hối lộ”;
-
Nguyễn Thị Tường Vi (Cựu GĐ Công ty TNHH một thành viên ATA Việt Nam) 4 năm tù về tội “Đưa hối lộ”;
-
Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) 14 năm tù (án sơ thẩm 16 năm tù) về tội “Nhận hối lộ”;
-
Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) 10 năm tù (án sơ thẩm 12 năm tù) tội “Nhận hối lộ”;
-
Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) 5 năm tù (án sơ thẩm 6 năm tù) về tội “Nhận hối lộ”;
-
Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) 9 năm tù (án sơ thẩm 11 năm tù) về tội “Đưa hối lộ”;
-
Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Blue Sky) 8 năm tù (án sơ thẩm 10 năm tù) về tội “Đưa hối lộ”;
-
Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty An Bình) 6 năm 6 tháng tù (án sơ thẩm 7 năm tù) về tội “Đưa hối lộ”;
-
Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty Minh Ngọc) 3 năm tù (án sơ thẩm 4 năm tù) về tội “Đưa hối lộ”;
-
Lê Văn Nghĩa (cựu Giám đốc Công ty Nhật Minh) 27 tháng tù (án sơ thẩm 3 năm tù) về tội “Đưa hối lộ”;
-
Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty MasterLife) 30 tháng tù (án sơ thẩm 3 năm tù) về tội “Đưa hối lộ”;
-
Lê Thị Ngọc Anh (cựu cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng) 30 tháng tù (án sơ thẩm 3 năm tù) về tội “Đưa hối lộ”;
-
Bị cáo Phạm Thị Kim Ngân (cán bộ Tạp chí Thanh tra) nhận hình phạt 13 tháng tù (án sơ thẩm 15 tháng tù) về tội “Môi giới hối lộ”;
-
Vũ Thuỳ Dương (Cựu GĐ Công ty cổ phần Thương mại Lư Hành Việt) 3 năm tù treo về tội “Đưa hối lộ”;
-
Một bị cáo khác cũng được giảm án là Hoàng Văn Hưng (cựu cán bộ điều tra của Bộ Công an) từ chung thân xuống 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”;
-
Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam ở Malaysia) 3 năm tù (án sơ thẩm 4 năm tù) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”;
-
Nguyễn Anh Tuấn 4 năm tù (án sơ thẩm 5 năm tù) về tội “Môi giới hối lộ”.
Tác động và bài học từ vụ án
Vụ việc trên đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận, nhiều du học sinh học tập ở nước ngoài, xa gia đình, vất vả trang trải sinh hoạt phí đắt đỏ nơi xứ người, hay những người lao động đi xuất khẩu vì dịch bệnh mong muốn trở lại quê hương để tránh dịch. Trước tình hình đất nước đang nguy khó, sống trong dịch bệnh nguy hiểm, toàn dân phải chống chọi với dịch bệnh, các bác sĩ phải gồng mình để chống dịch. Những bị cáo lại lợi dụng quyền lực của mình để kiếm lợi nhuận cho mình, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, gây thiệt hại vô cùng lớn, do đó việc Toà án đưa ra hình phạt như trên là thích đáng.
Có thể nói, “Chuyến bay giải cứu” là một vụ đại án, từ vụ án đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về nạn tham nhũng, hối lộ của một bộ phận cán bộ, làm giàu trên mồ hôi xương máu của dân. Ngược lại, qua việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án cũng cho thấy tính nghiêm khắc, răn đe của pháp luật nước ta và những nỗ lực trong việc giảm vấn nạn tham nhũng đang nhức nhối hiện nay.
Trong giai đoạn 2 của vụ án có 17 cá nhân bị khởi tố hình sự, trong đó có 7 bị cáo từ giai đoạn 1 được triệu tập tới phiên tòa với tư cách là người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hiện đang cải tạo tại các trại giam. Các thông tin về vụ án sẽ được chúng tôi cập nhật trong các bài viết mới nhất.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
“Ngáo đá” giết người lãnh án chung thân hay tử hình? (20.07.2022)
Ba mẹ đánh đòn con làm trẻ bị thương tích nhẹ có bị xử lý gì không? (19.07.2022)
04 vụ đánh đập, hành hạ trẻ em gây phẫn nộ dư luận (18.07.2022)
Đánh nhau, chém nhau gây thương tích bao nhiêu % thì bị đi tù? (15.07.2022)
Những kẻ lừa đảo tiền cọc Helios Villa Vũng Tàu bị xử lý ra sao? (14.07.2022)