I. Giới thiệu
Ngày 28 tháng 11 năm 2024, tại Kỳ hợp thứ 8, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 164/2024/QH15 thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự (“Nghị quyết số 164”) với 450/455 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành.
Nghị quyết gồm 5 điều, cụ thể: Điều 1: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Điều 2: nguyên tắc thực hiện; Điều 3: Các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản; Điều 4: Hiệu lực thi hành; Điều 5: Tổ chức thực hiện.
II. Bối cảnh ra đời và sự cần thiết của việc ban hành nghị quyết thí điểm
Trong những năm vừa qua, các vụ án, vụ việc có tội phạm tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo ngày càng gia tăng, và đạt được nhiều thành tựu về phòng chống tham nhũng trong quá trình giải quyết.
Dù vậy, một đặc điểm cố hữu của các nhóm tội phạm tham nhũng, kinh tế trong thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự là có nhiều vật chứng, tài sản giá trị lớn bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong xuyên suốt quá trình giải quyết.
Việc khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế gây đóng băng, lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Trong khi đó, cơ sở pháp lý để xử lý vật chứng vẫn chỉ căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP được ban hành từ lâu, không còn cập nhật phù hợp với bối cảnh của các Vụ án hiện tại.
Do đó, ngày 18 tháng 10 năm 2024, căn cứ theo chỉ đạo tại Kết Luận số 87-KL/TW ngày 13 tháng 7 năm 2024 của Bộ Chính trị, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã xây dựng và trình Quốc Hội Tờ trình số 28/TTr-VKSTC về dự án ban hành Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Nghị quyết thí điểm sẽ là nền tảng để ban hành Thông tư liên tịch về xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
III. Nội dung chính và những điểm mới cần lưu ý của nghị quyết
Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết số 164 quy định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa chỉ trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Vật chứng, tài sản thuộc trường hợp xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này, gồm: (1) tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; (2) vật chứng không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; (3) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; (4) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai.
So với phạm vi điều chỉnh tại Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP và quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Nghị quyết số 164 quy định phạm vi điều chỉnh việc xử lý vật chứng trong cả quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, tức khi chưa có quyết định khởi tố vụ án. Đây là quy định phù hợp với thực tế giải quyết vụ việc, vụ án hình sự, bởi lẽ trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác ban đầu thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần thiết phải thu giữ cũng như xử lý nhiều vật chứng, tài sản.
Nguyên tắc
Nguyên tắc thực hiện của Nghị quyết số 164 được chi tiết hóa 04 nguyên tắc cơ bản mà Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã đề ra trong Tờ trình số 28/TTr-VKSTC để bảo đảm việc thực hiện các biện pháp xử lý được kịp thời nhưng chặt chẽ, minh bạch, có sự kiểm soát, đúng mục đích, không ảnh hưởng đến việc chứng minh, giải quyết vụ án, vụ việc; không ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản, tránh làm phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đòi bồi thường; phù hợp với luật pháp quốc tế.
Các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản
Nội dung chính của Nghị quyết đưa ra 05 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, gồm:
Biện pháp trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý
Đối tượng: Vật chứng, tài sản là tiền đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa.
Điều kiện:
-
Cơ quan tiến hành tố tụng xác định rõ chủ sở hữu, bị hại, số tiền bị thiệt hại; và
-
Có văn bản đề nghị của bị hại hoặc người đại diện của họ; và
-
Có văn bản đề nghị của bị can, bị cáo hoặc người khác là chủ sở hữu của vật chứng, tài sản.
Trình tự thực hiện xử lý:
Trường hợp đã đáp ứng đủ điều kiện nêu trên, Cơ quan tiến hành tố tụng quyết định trả lại tiền cho bị hại theo thứ tự, tỷ lệ được pháp luật thi hành án dân sự quy định.
Trong trường hợp số tiền đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa không thuộc trường hợp được xử lý theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 164 nêu trên:
a. Đối với số tiền đã thu giữ, tạm giữ
Nếu có văn bản đề nghị của chủ sở hữu thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định gửi tiền vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để chờ xử lý.
b. Đối với tiền trong tài khoản bị phong tỏa
Nếu có văn bản đề nghị của chủ sở hữu thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định cho chủ sở hữu tài khoản đó được chuyển đổi thành tài khoản tiền gửi có kỳ hạn và quyết định phong tỏa tài khoản tiền gửi để chờ xử lý.
Theo đó, việc áp dụng các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản đều phải có sự đồng ý, chủ động đề nghị bằng văn bản của những người liên quan (bị hại, bị can, bị cáo, người khác là chủ sở hữu của tài sản, vật chứng,…). Đây là điều kiện phải có, đã được nhất quán, xuyên suốt theo Tờ trình của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, nhằm để bảo đảm quyền tài sản của những người có liên quan, hạn chế tối đa việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đòi bồi thường.
Biện pháp nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa vật chứng, tài sản
Đối tượng: vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa
Điều kiện:
-
Vật chứng, tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan; và
-
Người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan có nhu cầu khai thác, sử dụng và có văn bản đề nghị nộp tiền bảo đảm để nhận lại tài sản.
Trình tự xử lý:
-
Cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, yêu cầu định giá đối với vật chứng, tài sản theo quy định của pháp luật; và
-
Xem xét, ra quyết định cho người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân được nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đối với vật chứng, tài sản đó.
Đối với số tiền nộp bảo đảm:
-
Số tiền nộp bảo đảm không được thấp hơn giá của vật chứng, tài sản theo kết luận định giá tài sản;
-
Tiền bảo đảm được nộp vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 164.
-
Sau khi tiền bảo đảm được nộp vào tài khoản thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định hủy bỏ biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đã áp dụng. Người được giao lại tài sản có trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản trong quá trình quản lý, khai thác, sử dụng.
Biện pháp mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng
Đối tượng: vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
Điều kiện:
-
vật chứng, tài sản đã bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa mà thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan; và
-
không có tranh chấp, được mua bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật;
-
có văn bản đề nghị cho bán, chuyển nhượng của người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Trình tự thực hiện xử lý:
-
Cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, yêu cầu định giá đối với vật chứng, tài sản và xem xét, quyết định cho bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản đó thông qua hình thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật. Trường hợp chủ sở hữu chung mua lại vật chứng, tài sản thì không phải đấu giá;
-
Tổ chức, cá nhân mua, nhận chuyển nhượng vật chứng, tài sản phải chuyển toàn bộ số tiền từ việc mua bán, chuyển nhượng vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 164.
-
Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định hủy bỏ biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đã áp dụng.
Biện pháp giao vật chứng, tài sản cho sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng
Đối tượng: Vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thu giữ, tạm giữ, kê biên.
Điều kiện: Có văn bản đề nghị của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp vật chứng, tài sản.
Trình tự thực hiện xử lý:
-
Cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, yêu cầu định giá đối với vật chứng, tài sản theo quy định của pháp luật;
-
Xem xét, quyết định giao vật chứng, tài sản đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc người khác quản lý, khai thác, sử dụng theo đề nghị của chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc theo chỉ định của cơ quan tiến hành tố tụng khi có sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
-
Tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác, sử dụng có trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản, không được mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, hủy hoại, cố ý gây thiệt hại vật chứng, tài sản đó.
Biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản
Điều kiện: Khi có căn cứ cho rằng cần phải ngăn chặn việc người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có hành vi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng, tẩu tán, hủy hoại tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án.
Trình tự thực hiện xử lý:
-
Cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản khi có căn cứ cho rằng cần phải ngăn chặn việc người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có hành vi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng, tẩu tán, hủy hoại tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án.
Trường hợp tài sản có thể chia tách được thì chỉ tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với phần tài sản có giá trị tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại.
-
Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định áp dụng biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm kiểm tra, xác minh.
-
Tiếp theo, tùy theo từng trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện công việc sau:
-
Trường hợp có đủ căn cứ, điều kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng ra ngay quyết định áp dụng biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đối với tài sản. Tài sản thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa được xem xét, xử lý theo các quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 3 Nghị quyết số 164.
-
Trường hợp không đủ căn cứ, điều kiện thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thì cơ quan tiến hành tố tụng ra ngay quyết định hủy bỏ biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã áp dụng.
-
Trường hợp phức tạp mà chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để xử lý trong thời hạn quy định tại điểm b khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cóthẩm quyền có thể gia hạn một lần thời hạn áp dụng biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản nhưng không quá 02 tháng.
Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 và được thực hiện trong 03 năm, trừ trường hợp Quốc hội có quyết định khác.
Nghị quyết này không áp dụng đối với vụ việc, vụ án hình sự đã có quyết định xử lý hoặc bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành
IV. Kết luận và góc nhìn
Trong những năm vừa qua, đi kèm với thành công trong việc giải quyết xét xử đối với các vụ án hình sự kinh tế, tham nhũng là các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xử lý vật chứng, tài sản.
Nghị quyết thí điểm lần này của Quốc hội được ban hành kịp thời, nhằm tháo gỡ, có cơ chế khắc phục các điểm nghẽn về pháp lý để hạn chế các lãng phí khi tài sản tồn động nhưng không thể được xử lý để gia tăng hiệu quả về mặt kinh tế.
Nghị quyết thí điểm sẽ là cơ sở ban đầu để Quốc hội đánh giá, có chỉ đạo, ban hành Thông tư liên tục hoặc văn bản quy phạm pháp luật khác để áp dụng chung biện pháp xử lý vật chứng, tài sản được thí điểm cho các loại tội phạm hình sự khác. Không loại trừ trường hợp Nghị quyết sẽ được quyết định chấm dứt hiệu lực sớm để ban hành văn bản quy định pháp luật áp dụng chung về xử lý vật chứng, tài sản cho các loại tội phạm hình sự khác.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Mở cửa xe ô tô gây tai nạn có thể bị phạt tù đến 15 năm (26.03.2025)
Người dân lưu ý không có tổ chức, cá nhân nào trên mạng xã hội hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo (25.03.2025)
Cách thức thu hồi tiền lừa đảo và đảm bảo quyền lợi cho nạn nhân trong thi hành án (25.03.2025)
Phân tích pháp lý: Vụ “nữ quái” 26 tuổi lừa đảo 1000 tỉ đồng của 13.000 người (25.03.2025)
Quy định pháp luật về tội rửa tiền (25.03.2025)
Phân tích pháp lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng vụ bắt 60 đối tượng lừa đảo 1000 tỷ tại Quảng Ninh (25.03.2025)
Xét xử phúc thẩm Trịnh Văn Quyết về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán (25.03.2025)
Bắt giữ 27 đối tượng dùng chiêu trò khủng bố tinh thần người vay để đòi nợ (25.03.2025)