>>> Giả mạo Luật sư để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?
>>> Thông báo về các trang web lừa đảo mạo danh Luật sư Lê Nguyên Hòa và LHLegal
Tình trạng giả danh luật sư để lừa đảo ngày hiện nay
Hiện nay, tình trạng giả danh luật sư diễn ra ngày càng tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều đối tượng sử dụng danh thiếp giả, văn phòng ảo hoặc thậm chí mạo danh các luật sư có uy tín để tiếp cận khách hàng. Họ thường đưa ra những lời hứa hẹn thắng kiện chắc chắn, cam kết giảm nhẹ hình phạt hoặc giải quyết tranh chấp nhanh chóng nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Khi tìm kiếm cụm từ Luật sư trên các trang mạng xã hội, không khó để tìm thấy các trang đăng tải hình ảnh của các luật sư, thậm chí cả lực lượng cảnh sát với những dòng quảng cáo: hỗ trợ thu hồi tiền bị treo trên không gian mạng, chuyển nhầm số tài khoản, tiền kẹt trong các app sàn thương mại điện tử... với chi phí thấp nhằm thu hút những người từng bị lừa đảo liên hệ. Các trang này không cung cấp số điện thoại mà chỉ liên lạc bằng hình thức nhắn tin qua Facebook, Zalo, Telegram...
Điển hình như vụ việc của chị L. (SN 1981, trú tại Ba Đình, Hà Nội) được Báo Tiền Phong đăng tải ngày 20/02/2024 mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều lần nhưng vẫn bị các đối tượng lừa số tiền 125 triệu đồng. Trước đó, chị L. bị lừa hơn 200 triệu trên mạng và liên hệ trang Facebook quảng cáo Công ty Luật hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo. Sau đó, chị L. được các luật sư giả hướng dẫn đóng phí thu hồi tiền. Do mong muốn lấy lại số tiền lớn đã mất, chị L. chuyển tiền và phát hiện mình tiếp tục bị lừa.
Giả danh luật sư để lừa đảo bị xử lý thế nào?
Xử phạt hành chính
Theo Điều 92 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012 quy định, cá nhân không đủ điều kiện hành nghề Luật sư mà hành nghề Luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại, thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Để có thể hành nghề luật sư cần đáp ứng các điều kiện tại Điều 10, 11 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012, cụ thể:
-
Quốc tịch: Phải là công dân Việt Nam.
-
Phẩm chất đạo đức: Có phẩm chất đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật hoặc không đang trong thời gian bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật.
-
Trình độ học vấn: Tốt nghiệp cử nhân luật tại các trường đại học có chương trình đào tạo được công nhận.
-
Học lớp đào tạo luật sư: Tham gia khóa đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp hoặc các cơ sở đào tạo nghề luật sư được công nhận.
-
Tập sự hành nghề luật sư:
-
Hoàn thành quá trình tập sự hành nghề tại một tổ chức hành nghề luật sư (văn phòng luật sư hoặc công ty luật) trong thời gian ít nhất 12 tháng.
-
Quá trình tập sự cần được giám sát và xác nhận bởi một luật sư có kinh nghiệm.
-
-
Thi kiểm tra kết quả tập sự: Phải vượt qua kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền tổ chức.
-
Cấp chứng chỉ hành nghề: Sau khi vượt qua kỳ thi, có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư tại Bộ Tư pháp.
-
Gia nhập Đoàn Luật sư: Sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề, cần đăng ký gia nhập một Đoàn Luật sư tại địa phương để chính thức được hành nghề luật sư.
Đồng thời, theo quy định tại Điểm e Khoản 7 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, hành vi cung cấp dịch vụ pháp lý, hoạt động tư vấn pháp luật với danh nghĩa Luật sư hoặc mạo danh Luật sư để hành nghề Luật sư; treo biển hiệu khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư hoặc chưa gia nhập Đoàn Luật sư, bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo Điểm b Khoản 9 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, người có hành vi giả mạo luật sư còn có thể bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm gây ra.
Người giả mạo luật sư có thể bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do hành minh vi phạm mình gây ra
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Việc giả mạo Luật sư để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, điển hình như để chiếm đoạt tài sản của cá nhân tổ chức khác có thể đối mặt với việc bị xử lý hình sự theo các tội danh sau:
Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 nếu thỏa mãn các điều kiện:
Mặt chủ thể: Nếu người thực hiện hành vi giả mạo có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và trên 16 tuổi.
Mặt khách thể: hành vi giả mạo Luật sư xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của tổ chức, cá nhân khác.
Mặt khách quan:
-
Về hành vi: Hành vi của tội danh này đưa ra thông tin gian dối (cụ thể trong trường hợp này là giả mạo là Luật sư) để người khác tin tưởng đó là sự thật và giao tài sản. Việc đưa ra thông tin giả có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động, bằng hình ảnh…hoặc kết hợp bằng nhiều cách thức khác nhau.
-
Trên thực tế, các đối tượng này sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để lừa đảo: lập tài khoản giả để chạy quảng cáo, giới thiệu, cung cấp dịch vụ pháp lý, hỗ trợ lấy tiền treo trên nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử một cách công khai; Cam kết thu hồi hoàn toàn tiền bị treo; tự xưng là Luật sư đang công tác tại tổ chức này, tổ chức kia; gửi địa chỉ đúng với địa chỉ của TCHNLS thật. Thậm chí, đối tượng còn cắt ghép thẻ Luật sư giả; chứng chỉ hành nghề Luật sư giả, giả mạo con dấu, tài liệu để lừa đảo.
-
Về hậu quả: Hậu quả của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là làm thiệt hại về tài sản của người khác đây cũng là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2.000.000 đồng trở lên.
-
Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Mặt chủ quan: người thực hiện hành vi giả mạo luật sư với lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích là mong muốn chiếm đoạt được tài sản thuộc sở hữu của người bị hại.
Ví dụ thực tiễn: Liên quan đến tội danh này, vừa qua Cơ quan CSĐT Công an TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) đã chuyển chuyển kết luận điều tra sang VKSND cùng cấp truy tố Nguyễn Thành Công (36 tuổi, ngụ xã Krông Jing, huyện M’Drắk) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo điều tra, Công không có nghề nghiệp ổn định, do không có tiền tiêu xài nên nảy sinh ý định giả danh Luật sư để chiếm đoạt tài sản. Để thực hiện hành vi lừa đảo, giả danh Luật sư, Công đã mua bằng cử nhân luật, thẻ Luật sư giả và con dấu cá nhân có in chữ Liên đoàn Luật sư Việt Nam,… Công còn sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để thường xuyên đăng hình ảnh, thông tin trong nhóm “Luật sư tư vấn miễn phí”. Từ tháng 11 đến tháng 12/2021, Công đã lừa đảo liên tiếp nhiều người dân trên địa bàn.
Trong đó, đáng chú ý là vụ việc Công nhận 60 triệu đồng của gia đình bị cáo H.X.T. (36 tuổi, ngụ xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) và hứa sẽ giúp bị cáo này hưởng án treo. Do không làm được như cam kết, nên người nhà đã gọi điện đòi lại tiền, nhưng không liên lạc được Công.
Tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
Tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
Mặt khách thể: xâm phạm trực tiếp đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước về con dấu, tài liệu.
Mặt chủ thể: Người thực hiện hành vi giả mạo này từ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt khách quan:
Về hành vi: Người giả mạo Luật sư có hành vi giả danh luật sư liên quan đến việc sử dụng giấy tờ giả hoặc giả mạo con dấu, chữ ký, tài liệu của tổ chức hành nghề luật sư, nhằm mục đích để lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân bằng cách làm cho họ tin rằng giấy tờ giả là thật. cụ thể:
-
Hành vi đúc, khắc… để tạo ra con dấu giả giống như con dấu thật của cơ quan, tổ chức luật sư đang sử dụng như thẻ luật sư, Chứng chỉ hành nghề luật sư.
-
Hành vi viết, vẽ, in, photo,... các loại giấy tờ, tài liệu giả giống như các loại tài liệu, giấy tờ thật của cơ quan, tổ chức để sử dụng vào những việc trái pháp luật.
-
Hành vi sửa các thông tin, giá trị trên các giấy tờ, tài liệu,... thật có chữ ký, con dấu, mẫu giấy thật để sử dụng vào những việc trái pháp luật. Hoặc;
-
Hành vi sử dụng con dấu giả, tài liệu giả hoặc giấy tờ giả khác của cơ quan, tổ chức nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (trong trường hợp này có thể là để lừa đảo chiếm đoạt tài sản).
Mặt chủ quan: Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.
Làm giả mạo thử luật sư có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Cách nhận diện và phòng tránh luật sư giả mạo
Có thể nhận diện và phòng tránh luật sư giả mạo bằng các cách như sau:
-
Thứ nhất, kiểm tra thông tin hành nghề: Trước khi làm việc với một luật sư, người dân nên kiểm tra thông tin hành nghề của họ trên website của Đoàn luật sư địa phương hoặc Bộ Tư pháp.
-
Thứ hai, yêu cầu xuất trình thẻ luật sư: Mọi luật sư hành nghề hợp pháp đều có thẻ luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp.
-
Thứ ba, cảnh giác với những lời hứa hẹn phi thực tế: Luật sư chân chính sẽ không đảm bảo kết quả thắng kiện 100% hay cam kết giải quyết vụ việc nhanh chóng bất thường vì đây là hành vi vi phạm Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư tại Việt Nam.
-
Thứ tư, thận trọng khi chuyển tiền: Không chuyển tiền trước khi có xác nhận rõ ràng về dịch vụ pháp lý.
Làm gì khi phát hiện người giả danh luật sư?
Khi phát hiện một cá nhân có dấu hiệu giả danh luật sư, người dân cần:
-
Thứ nhất, thu thập chứng cứ: Ghi nhận thông tin về đối tượng, giấy tờ, tin nhắn hoặc các bằng chứng khác.
-
Thứ hai, báo cáo cơ quan chức năng: Gửi đơn tố cáo đến Đoàn luật sư, Sở Tư pháp hoặc cơ quan công an để được xử lý.
-
Thứ ba, Cảnh báo cộng đồng: Chia sẻ thông tin với người thân, bạn bè để tránh bị lừa đảo.
Như vậy, việc giả danh luật sư để lừa đảo không chỉ xâm phạm quyền lợi của cá nhân mà còn ảnh hưởng đến uy tín của nghề luật. Việc nâng cao nhận thức pháp luật và biết cách phòng tránh sẽ giúp người dân bảo vệ bản thân khỏi những chiêu trò lừa đảo tinh vi. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Bắt giữ đối tượng làm giả di chúc nhằm chiếm đoạt tài sản (25.03.2025)
Quyên góp từ thiện: Lòng tin đặt sai chỗ hay hiểu lầm chưa được công khai? (24.03.2025)
Quy trình kê biên tài sản trong các vụ án hình sự: Quyền và nghĩa vụ của các bên (24.03.2025)
Cựu Chủ tịch tỉnh An Giang và đại gia cát lậu miền Tây ra tòa (24.03.2025)
Tác động của tội nhận hối lộ đến xã hội và nền kinh tế (21.03.2025)
Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể rút ngắn thời gian thử thách không? (21.03.2025)
Luật sư tư vấn miễn chấp hành hình phạt tù: Thủ tục & hồ sơ (21.03.2025)
Toàn cảnh vụ án Hậu Pháo: Số cựu quan chức vướng lao lý, tài sản bị phong tỏa và thu giữ (21.03.2025)