>>> Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối - Làm sao để đòi lại tiền
>>> Lừa đảo bao nhiêu tiền thì bị phạt tù?
Thông qua bài viết này, LHLegal sẽ phân tích cụ thể các hành vi liên quan, quy định pháp luật hiện hành và những vụ án điển hình, từ đó giúp doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh nhận thức rõ hơn về ranh giới pháp lý trong hoạt động thương mại.
Hành vi lừa dối khách hàng được hiểu như thế nào?
Theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, tội lừa dối khách hàng là hành vi dùng thủ đoạn gian dối trong việc mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc chất lượng, xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa để thu lợi bất chính.
Ví dụ: người bán thay đổi nhãn hiệu thật bằng nhãn hiệu nổi tiếng; thay đổi trọng lượng trên bao bì mà không đúng với khối lượng thực tế; trộn hàng kém chất lượng để bán như hàng chính hãng…
Hành vi sản xuất, mua bán hàng giả là gì?
Theo quy định tại khoản 1 khoản 2 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định như sau:
-
“Sản xuất” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng hóa.
-
“Buôn bán” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông.
Đồng thời, tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, hàng giả bao gồm:
-
Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
-
Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
-
Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;
-
Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
-
Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
-
Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.
Từ các quy định trên chúng ta có thể hiểu hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là:
-
Hành vi sản xuất hàng giả là thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng hóa giả;
-
Buôn bán hàng giả là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa giả vào lưu thông.
Phân tích Tội sản xuất, buôn bán hàng giả và tội lừa dối khách hàng
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
Hiện nay, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
1. Về mặt chủ thể
Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội này là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ đủ 16 trở lên, không thuộc các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo Điều 12 Bộ luật Hình sự. Bên cạnh người phạm tội là cá nhân thì pháp nhân thương mại cũng có thể là người phạm tội đối với tội danh này.
2. Về mặt khách thể
Tội phạm này xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý thị trường của Nhà nước, đặc biệt là các hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng hóa hợp pháp. Ngoài ra, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả còn xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh chân chính cũng như lợi ích của người tiêu dùng – những người dễ bị tổn hại nhất bởi hành vi gian dối trong thương mại.
3. Về mặt chủ quan
Hành vi phạm tội được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Chủ thể phạm tội nhận thức rõ ràng hàng hóa mình sản xuất hoặc buôn bán là hàng giả nhưng vẫn cố tình thực hiện vì mục đích trục lợi.
4. Về mặt khách quan
Hành vi khách quan của tội phạm này gồm hai loại chính: sản xuất hàng giả và buôn bán hàng giả.
-
Sản xuất hàng giả là hành vi làm ra sản phẩm giống hoặc tương tự sản phẩm thật đến mức có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Việc sản xuất này có thể bao gồm các công đoạn như chế tạo, gia công, in ấn, đóng gói, pha trộn, lắp ráp... với mục đích cuối cùng là tạo ra hàng hóa giả mạo thương hiệu, nguồn gốc, chất lượng.
-
Buôn bán hàng giả là hành vi đưa hàng giả ra thị trường dưới các hình thức như chào hàng, bày bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu, bảo quản, phân phối và hoạt động khác đưa hàng hóa giả vào lưu thông trong thị trường,... mặc dù người phạm tội biết rõ đó là hàng giả
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hàng giả được hiểu là hàng hóa không có công dụng, hoặc công dụng không đúng với tên gọi, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giả mạo nguồn gốc, thành phần, tem nhãn, bao bì... bao gồm cả các loại thuốc, thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... không đúng hàm lượng hoặc không có hoạt chất như công bố.
Tuy nhiên, không phải mọi hành vi liên quan đến hàng giả đều bị xử lý hình sự theo Điều 192. Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định các tội danh riêng biệt cho những loại hàng giả đặc thù như:
-
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 ),
-
Hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015 ),
-
Hàng giả là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, giống cây trồng, giống vật nuôi… (Điều 195 Bộ luật Hình sự 2015 ).
Việc định giá hàng giả để xử lý cần so sánh với hàng thật có cùng tính năng, công dụng trên thị trường. Trường hợp hàng thật không xác định được, có thể căn cứ vào sản phẩm tương đương về mặt kỹ thuật, công dụng.
Hậu quả của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là vô cùng nghiêm trọng – không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, làm mất niềm tin vào thị trường, xâm hại quyền sở hữu trí tuệ và uy tín của doanh nghiệp chân chính, kéo theo những hệ lụy lớn về kinh tế, xã hội và cả văn hóa.
5. Mức phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định của pháp luật hình sự
Căn cứ theo quy định tại Điều 192 BLHS 2015 sđ, bs 2017, khung hình phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả cụ thể như sau:
“1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Làm chết người;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
l) Buôn bán qua biên giới;
m) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
Phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tiền lên đến 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm
6. Mức phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định pháp luật hành chính.
Trong trường hợp hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự thì người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định từ Điều 9 đến Điều 14 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
-
Phạt tiền: từ 1.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng
-
Phạt bổ sung: Tịch thu tang vật đối với hành vi; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng
-
Buộc khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi; Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm
Tội lừa dối khách hàng
Hiện nay, tội lừa dối khách hàng được quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
1. Về mặt chủ thể: Người phạm tội phải là người trên 16 tuổi và có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
2. Về mặt khách thể: Tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý về kinh tế, cụ thể là quan hệ đúng đắn trong lưu thông hàng hóa, xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, uy tín của doanh nghiệp.
3. Về mặt chủ quan:
Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhận thấy trước được hậu quả nhưng vẫn thực hiện nhằm mục đích thu lợi bất chính
4. Về mặt khách quan
Hành vi: Người phạm tội đã sử dụng các thủ đoạn gian dối trong quan hệ mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ, cụ thể là hành vi cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc sử dụng các thủ đoạn gian dối khác nhằm làm cho người mua, người sử dụng dịch vụ tin tưởng và tự nguyện giao tài sản. Mục đích của hành vi này là để thu lợi bất chính từ khách hàng.
Hậu quả: hậu quả thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu chưa gây hậu quả nêu trên, người phạm tội phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi lừa dối khách hàng hoặc đã bị kết án về tội lừa dối khách hàng, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm mới bị coi là phạm tội lừa dối khách hàng.
5. Mức phạt đối với tội lừa dối khách hàng theo quy định của pháp luật hình sự.
Căn cứ theo Điều 198 BLHS 2015 sđ, bs 2017, khung hình phạt đối với hành vi lừa dối khách hàng như sau:
"1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
6. Mức phạt đối với tội lừa dối khách hàng theo quy định của pháp luật hành chính."
Trường hợp hành vi lừa dối khách hàng chưa đủ yếu tố cấu thành tội lừa dối khách hàng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sđ, bs 2017, người phạm tội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP:
Phạt tiền: người vi phạm có thể bị phạt hành chính ở mức thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất là đến 20.000.000 đồng tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm.
Phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và buộc có biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thu hồi hàng hóa không bảo đảm chất lượng, Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Các vụ án liên quan đến mua bán hàng giả và lừa dối khách hàng?
Các vụ án liên quan đến mua bán hàng giả
1. Bản án về tội buôn bán hàng giả số 314/2022/HS-ST ngày 28/09/2022 của TAND thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương
Nội dung bản án: Từ tháng 01 đến tháng 04/2021, Cao Văn P tiếp tục yêu cầu Đặng Công B là nhân viên giao hàng của công ty đi vào nhà máy H lấy hàng theo yêu cầu của công ty K để đi giao. Tương tự như lần trước, P cho B về kho ở Đông Hòa, Dĩ An lấy thêm ống thép nhúng nóng giả nhãn hiệu Hòa Phát xuống công trình W giao cho nhà thầu K. Nhà thầu K chỉ yêu cầu Công ty V cung cấp ống thép Hòa Phát phi 113.5 nhưng thực tế P đã bỏ xen lẫn phi 114.3 cung cấp cho nhà thầu K là ống thép giả P mua trôi nổi trên thị trường không đúng với hợp đồng và bảng báo giá mà Công ty V đã báo giá cho nhà thầu K.
Nhận định của Tòa án: Từ ngày 11/01/2021 đến 29/5/2021, Cao Văn P đã buôn bán hàng giả là ống thép mạ kẽm nhúng nóng mang nhãn hiệu Hòa Phát tại Bình Dương và bị phát hiện, thu giữ 129 cây ống thép giả trị giá hơn 141 triệu đồng. Hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội “Buôn bán hàng giả” theo điểm a khoản 1 Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017). Viện Kiểm sát truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hành vi của bị cáo là nghiêm trọng, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp; do động cơ vụ lợi nên cần xử phạt nghiêm, có xét đến tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và nhân thân bị cáo.
Quyết định của Tòa án: Bị cáo P phạm tội buôn bán hàng giả và xử phạt 02 năm 06 tháng tù giam, nhưng cho hưởng án treo.
Xem chi tiết Bản án số 314/2022/HS-ST ngày 28/09/2022 về tội buôn bán hàng giả tại đây
2. Bản án số 17/2023/HS-ST ngày 07/02/2023 của TAND tỉnh Quảng Ngãi
Nội dung bản án: Ngày 07/9/2020, Lê Tấn H điều khiển xe ô tô chở 14 thùng phuy chứa 2.994 lít dầu Điêzen giả đến Cửa hàng xăng dầu N để bán cho ông B. Tại đây, dưới sự chứng kiến của ông B, H hút dầu Điêzen giả chứa trong 10 thùng phuy để bơm theo ống cao su xuống ngăn chứa phía Bắc của bồn chứa phía Đông toàn bộ dầu Điêzen giả chứa trong 10 thùng phuy. Sau đó, H nói với ông B mua luôn số dầu Điêzen chứa trong 04 thùng phuy còn lại thì ông B đồng ý. Tuy nhiên, H chưa kịp bơm dầu Điêzen chứa trong 04 thùng phuy còn lại thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi phát hiện, bắt quả tang tạm giữ Lê Tấn H cùng một số đồ vật liên quan.
Nhận định của Tòa án: Bị cáo Lê Tấn H thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và lời khai phù hợp với chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Đêm 06 và rạng sáng 07/9/2020, bị cáo đã pha trộn dầu nhớt thủy lực với dầu hỏa để sản xuất 2.994 lít dầu Điêzen giả, tương đương hơn 34 triệu đồng giá trị dầu thật. Sau đó, bị cáo vận chuyển số dầu giả đến Cửa hàng xăng dầu N để bán, thu lợi bất chính 429.240 đồng thì bị bắt quả tang. Hành vi này xâm phạm đến quản lý thị trường, quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp. Việc truy tố bị cáo về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo khoản 1 Điều 192 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.
Quyết định của Tòa án: Tòa án tuyên bố bị cáo H phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và xử phạt bị cáo 200 triệu đồng.
Xem chi tiết Bản án số 17/2023/HS-ST ngày 07/02/2023 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả tại đây
Các vụ án liên quan đến lừa dối khách hàng
1. Bản án số 08/2024/HS-ST ngày 25/11/2024 của TAND huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
Nội dung bản án: Đầu năm 2024, do thua lỗ, bị cáo T và H bàn bạc thực hiện hành vi gian lận khi thu mua tôm bằng cách chỉnh sửa cân đồng hồ để giảm trọng lượng mà chủ ao không phát hiện. Bị cáo T liên hệ với bị cáo L, anh Nguyễn Thanh T5 và bị cáo C1, người biết cách chỉnh cân. Nhóm này sử dụng thanh nam châm lò xo tự chế để tác động vào cân. Mỗi lần gian lận thành công, nhóm của L và T5 nhận từ 100.000 đến 170.000 đồng, tùy theo giá trị và số lượng tôm. Vào ngày 19/3/2024, các bị cáo đã đến ao tôm của anh N1, thực hiện hành vi gian lận và chiếm đoạt số tiền 463.710.000 đồng.
Nhận định của tòa án: Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện D, tỉnh Trà Vinh truy tố các bị cáo Nguyễn Thanh T, Lương Văn H, Lê Văn C1 và Tào Vũ L về tội “Lừa dối khách hàng” theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Hành vi của các bị cáo nguy hiểm, có đồng phạm, xâm phạm trật tự kinh tế và tài sản, thể hiện thái độ xem thường pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Mặc dù các bị cáo nhận thức được hành vi bị cấm nhưng vẫn cố ý thực hiện vì mục đích vụ lợi, gây hậu quả nghiêm trọng.
Quyết định của Tòa án: Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thanh T, Lương Văn H, Lê Văn C1, Tào Vũ L phạm tội “Lừa dối khách hàng” và xử phạt:
-
Bị cáo Nguyễn Thanh T 02 năm tù, hưởng án treo. Thời gian thử thách 04 năm kể từ ngày tuyên án. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã H, huyện V, tỉnh Bạc Liêu giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
-
Bị cáo Lương Văn H 02 năm tù, hưởng án treo. Thời gian thử thách 04 năm kể từ ngày tuyên án. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã L, thành phố C, tỉnh Cà Mau giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
-
Bị cáo Lê Văn C1 01 năm 06 tháng tù, hưởng án treo. Thời gian thử thách 03 năm kể từ ngày tuyên án. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã V, huyện H, tỉnh Bạc Liêu giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
-
Tào Vũ L 01 năm 06 tháng tù, hưởng án treo. Thời gian thử thách 03 năm kể từ ngày tuyên án. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã V, huyện H, tỉnh Bạc Liêu giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Xem chi tiết Bản án số 08/2024/HS-ST ngày 25/11/2024 Về tội lừa dối khách hàng tại đây
2. Bản án số 23/2024/HS-PT ngày 15/8/2024 của TAND tỉnh Sơn La
Nội dung vụ án: Ngày 31/7/2022, thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo bị cáo Lê Văn H đã có hành vi đặt làm giả giấy tờ của chiếc xe ô tô tải nhãn hiệu Hyundai, mục đích để sử dụng các tài liệu làm giả và dùng thủ đoạn gian dối để bán chiếc xe này. Bị cáo đã bán được cho anh Giàng A C với giá 180.000.000 đồng. Căn căn cứ Kết luận định giá tài sản, trị giá của chiếc xe ô tô nhãn hiệu Hyundai là 136.000.000 đồng, từ đó xác định số tiền bị cáo thu lời bất chính là 44.000.000 đồng.
Nhận định của Tòa án: Tòa án cấp phúc thẩm nhận định bị cáo bị xét xử sơ thẩm về tội “Lừa dối khách hàng” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 198 của Bộ luật Hình sự và tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 341 của Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật”. Cấp phúc thẩm bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.
Quyết định của Tòa án: xử phạt bị cáo Lê Văn H 18 (mười tám) tháng cải tạo không giam giữ về tội “Lừa dối khách hàng”. Cộng thêm hình phạt của tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, bị cáo phải chấp hành 29 tháng 21 ngày tù.
Từ những phân tích nêu trên và các vụ án thực tế, có thể thấy hành vi lừa dối khách hàng bằng hàng giả không chỉ là vi phạm pháp luật đơn thuần mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, sức khỏe cộng đồng và lòng tin xã hội. Đây là hồi chuông cảnh báo cho các cá nhân, tổ chức đang hoặc có ý định thực hiện hành vi này – bởi hệ thống pháp luật hiện hành không chỉ quy định rõ ràng, chặt chẽ mà còn xử lý rất nghiêm minh.
Xem chi tiết Bản án số 23/2024/HS-PT ngày 15/8/2024 về tội buôn bán hàng giả tại đây
Với vai trò là đơn vị tư vấn pháp lý, LHLegal luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp và cá nhân trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý các rủi ro pháp lý liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và lừa dối khách hàng. Chúng tôi tin rằng: sự tuân thủ pháp luật chính là nền tảng bền vững cho mọi hoạt động kinh doanh và là con đường duy nhất để phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Vụ 50 người dàn cảnh cướp tài sản trước cổng chùa - Trách nhiệm pháp lý và bài học (11.02.2025)
Nam thanh niên bị tạm giam vì dùng clip khỏa thân để tống tiền (10.02.2025)
Phân tích tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định pháp luật hiện hành (06.02.2025)
Vụ bố sát hại con 4 tuổi ở Thanh Hóa - Nghi phạm có biểu hiện tâm thần (06.02.2025)
Nữ sinh bị sát hại trong phòng trọ ở Gò Vấp (24.01.2025)
Cái giá phải trả khi chạm vào ma túy: Bài học từ Chi Dân, An Tây (24.01.2025)
Vụ shipper bị đánh tử vong ở Đà Nẵng: Tội Giết người hay Cố ý gây thương tích? (24.01.2025)
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có bị tử hình không? Người từ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội lừa đảo có bị truy cứu trách nhiệm không? (21.01.2025)