Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, trong vòng một tháng qua, 23 ngân hàng trong nước đã đồng loạt giảm lãi suất huy động từ 0,1 đến 1 điểm phần trăm mỗi năm, tùy theo kỳ hạn. Danh sách này bao gồm nhiều nhà băng lớn như BIDV, VietinBank, Techcombank, MSB, VIB, ABBank, SHB, Eximbank...
Hiện tại, GPBank là ngân hàng duy nhất còn giữ mức lãi suất từ 6% trở lên cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng. Ở các ngân hàng còn lại, mức lãi suất này chỉ áp dụng với những kỳ hạn dài hơn.
Việc lãi suất tiết kiệm giảm diện rộng diễn ra sau khi Chính phủ yêu cầu rà soát và xử lý nghiêm các trường hợp nâng lãi suất huy động vượt trần, gây bất ổn thị trường. Thủ tướng đã chỉ đạo thanh tra toàn diện và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ điều hành như hạn mức tín dụng và thậm chí thu hồi giấy phép nếu cần thiết.
Trái phiếu doanh nghiệp: Cửa thoát cho áp lực vốn
Trước khó khăn về lãi suất huy động, nhiều ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp như một giải pháp chiến lược nhằm tăng cường nguồn vốn trung và dài hạn.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú mới đây chia sẻ: “Ngân hàng huy động 10 đồng thì cho vay được 9 đồng. Nhưng hiện nay nhiều ngân hàng đã cho vay vượt cả 10 đồng, buộc phải sử dụng đến vốn tự có, vốn điều lệ và cả nguồn tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước”.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt kỳ vọng hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, duy trì mặt bằng lãi suất thấp là yếu tố then chốt nhằm giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư và sản xuất.
Theo báo cáo của FiinGroup, đến cuối tháng 2/2025, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành đạt gần 1,26 triệu tỷ đồng, trong đó nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu, chiếm 44% toàn thị trường. Dù giảm nhẹ so với cuối tháng 1, mức phát hành vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước.
Phát hành trái phiếu – chiến lược dài hơi
VNDirect trong báo cáo gửi nhà đầu tư cũng đánh giá cao vai trò của trái phiếu doanh nghiệp đối với hệ thống ngân hàng trong năm 2025. Việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài không chỉ giúp gia tăng nguồn vốn mà còn hỗ trợ cải thiện tỷ lệ vốn trung và dài hạn, đáp ứng các quy định khắt khe của Ngân hàng Nhà nước.
Chuyên gia của VNDirect dự báo rằng, trong năm 2025, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ như đã làm trong năm 2024. Điều này không chỉ góp phần nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng mà còn thúc đẩy sự phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp – một thị trường đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau thời gian điều chỉnh mạnh.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần tập trung thu hồi nợ vay, xử lý nợ xấu (25.03.2025)
Xử lý tài sản bảo đảm bị kê biên trong vụ án hình sự - Quy trình và giải pháp (24.03.2025)
Quy định mới về việc mua cổ phiếu quỹ của tổ chức tín dụng bởi nhà đầu tư nước ngoài từ 19/5/2025 (24.03.2025)
Những lưu ý quan trọng khi ngân hàng thực hiện bán đấu giá khoản nợ (21.03.2025)
Ngân hàng khó bán đấu giá tài sản dù đã “Đại hạ giá” nhiều lần - Nguyên nhân & giải pháp (21.03.2025)
Tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng (21.03.2025)
Các vướng mắc khi ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm đang tranh chấp, tài sản bị kê biên (21.03.2025)
Một loạt ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm (21.03.2025)