Thuốc giả - hiểm họa ngay trong toa thuốc
Một trong những vụ án gây chấn động là vụ VN Pharma năm 2014, liên quan đến việc nhập khẩu thuốc ung thư giả. Vụ án kéo theo hàng loạt cựu quan chức ngành y tế, trong đó có cả ông Trương Quốc Cường - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - bị xử lý hình sự.
Dù đã bị truy quét quyết liệt, mỗi năm các cơ quan chức năng vẫn phát hiện và xử lý hàng loạt vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả. Gần đây nhất, TAND TP.HCM xét xử 11 bị cáo vì làm giả thuốc giun, thuốc trị viêm âm đạo… Còn tại Hà Nội, một dược sĩ tốt nghiệp Đại học Dược bị tuyên án 5 năm 6 tháng tù vì làm giả thuốc và tài liệu, bán lại cho các bệnh viện.
Sữa, thực phẩm dinh dưỡng cũng bị làm giả tinh vi
Tháng 7-2021, Nguyễn Trung V. tự nghiên cứu công thức pha trộn nguyên liệu để sản xuất các loại thực phẩm dinh dưỡng và sản phẩm dùng trong chế độ ăn đặc biệt. Tuy nhiên, kiểm nghiệm cho thấy các sản phẩm đều không đạt chất lượng như công bố. Tổng giá trị hàng giả lên đến 4,4 tỉ đồng. V. bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù.
Gia vị quen thuộc và cà phê hằng ngày cũng không thoát nạn
Tại Đồng Nai năm 2022, Ngô Văn Th. bị xử lý vì làm giả bột ngọt Ajinomoto, hạt nêm Knorr và nước mắm Nam Ngư - những sản phẩm quen thuộc trong gian bếp mỗi gia đình. Đáng nói, người này chỉ thu lợi được... 790.000 đồng.
Năm 2023 tại Đắk Lắk, khi giá cà phê tăng cao, Võ Nguyên V. đã “biến” đậu nành thành cà phê giả. Trong hơn một tháng, V. sản xuất 219 gói cà phê bột giả, thu lợi bất chính 8,6 triệu đồng. Tuy nhiên, hành vi này đã bị phát hiện và bị xử 2 năm 3 tháng tù treo.
Giống cây, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng bị làm giả
Không chỉ dừng lại ở thực phẩm, hàng giả còn lan sang lĩnh vực nông nghiệp. Tháng 2-2024, Lưu Văn Ch. lập trang Facebook giả danh Trung tâm giống cây trồng tỉnh Kon Tum để bán cây tam thất giả danh sâm Ngọc Linh, thu về gần 100 triệu đồng. Hành vi này khiến anh ta bị tuyên phạt 13 tháng tù treo.
Từ tháng 4-2022 đến tháng 5-2023, Trần Minh T. và Trần Ngọc T. đã bán hơn 1.700 chai thuốc trừ cỏ giả với giá trị gần 300 triệu đồng. TAND huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã phạt hai người lần lượt 700 triệu và 500 triệu đồng.
Pháp luật đã mạnh tay, vì sao hàng giả vẫn lan tràn?
Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM), Bộ luật Hình sự hiện hành quy định đến 4 tội danh liên quan đến sản xuất và buôn bán hàng giả. Mức án cao nhất đối với hành vi làm giả thuốc có thể lên đến tử hình, và với thực phẩm là chung thân. Các tội liên quan đến phân bón, thức ăn chăn nuôi hay thuốc bảo vệ thực vật có mức án đến 15-20 năm tù.
Tuy vậy, hàng giả vẫn tiếp tục xuất hiện ở nhiều nơi, cho thấy công tác kiểm tra, giám sát chưa đủ hiệu quả. Nhiều hành vi gian lận chưa được xử lý triệt để, đặc biệt là đối với những người có trách nhiệm trong quản lý.
Thực tế cho thấy, cần thiết phải hạ định lượng cấu thành tội danh và tăng mức phạt bổ sung để tăng sức răn đe. Bởi các mặt hàng bị làm giả - như thuốc chữa bệnh, thực phẩm - đều có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân. Đây không chỉ là câu chuyện vi phạm pháp luật, mà còn là vấn đề an toàn cộng đồng.
Hợp đồng theo mẫu và các quy định pháp luật liên quan (21.04.2023)
Quy định về điều kiện thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (14.04.2023)
Vì sao phải có chó nghiệp vụ khi đi khám xét? Chó nghiệp vụ có vai trò gì? (14.04.2023)
Hủy phán quyết trọng tài theo quy định pháp luật (13.04.2023)
Tòa án có được giải quyết nhiều yêu cầu trong cùng một vụ án dân sự không? (11.01.2023)
Người trên 60 tuổi có được miễn nộp tiền án phí, lệ phí của Tòa án không? (11.01.2023)
Án lệ là gì? Những điều cần biết về án lệ (08.11.2022)
Tóm tắt án lệ số 56/2022/AL về việc giải quyết tranh chấp di dời mồ mả (25.10.2022)