Tóm tắt vụ việc nữ VĐV chưa đủ 14 tuổi bị xâm hại tình dục 11 lần
Theo cáo trạng, Công (SN 2008), Thành (SN 2010) và L. (SN 2010) đều là vận động viên cầu lông, được bố trí tập luyện, sinh hoạt tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể dục, thể thao Hà Nội (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm).
Khoảng 23h một ngày giữa tháng 5/2022 (khi đó L. mới 12 tuổi), Công có ý định xâm hại tình dục L. nhưng không thành. Sau khi xảy ra sự việc trên, Thành biết chuyện và cũng nảy sinh ham muốn được quan hệ tình dục với L.
Tối 10/6/2022, Thành rủ Công đến phòng ở của L., lấy lý do phòng tắm hỏng, xin tắm nhờ để vào trong. Khi tắm xong, hai người thay nhau giữ tay chân, khống chế rồi hiếp dâm L. Gây án xong, Công và Thành còn đe dọa không cho nói với ai.
Theo cáo buộc, hành vi xâm hại tình dục nữ vận động viên xảy ra 11 lần với 9 lần xảy ra ở Trung tâm huấn luyện và 2 lần xảy ra khi đi thi đấu tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Sự việc trên diễn ra trong vòng 2 năm (2022-2023), sau sự việc trên L có dấu hiệu bất ổn về tinh thần nên gia đình đã rặng hỏi và biết được sự việc.
Theo vụ việc, bị can Thành có 8 lần thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn với L. khi Thành chưa đủ 14 tuổi. Còn đối với bị can Công thì thực hiện hành vi xâm hại L. 10 lần, trong đó gồm 3 lần thực hiện 1 mình và 7 lần thực hiện cùng bị can Thành. Trong suốt 10 lần đó, có 5 lần xảy ra khi Công dưới 14 tuổi.
Góc nhìn pháp lý về vụ việc
Phân tích pháp lý về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
Theo Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi như sau:
Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
"1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
…"
Như vậy, để có thể cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi phải thỏa mãn các yếu tố như sau:
-
Chủ thể phạm tội: người từ đủ 14 tuổi trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này (khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)).
-
Mặt chủ quan: ý thức chủ quan của người phạm tội, mong muốn thực hiện hành vi phạm tội nhằm thỏa mãn dục vọng dù biết đây là hành vi trái pháp luật.
-
Khách thể: quyền bất khả xâm phạm về tình dục, về thân thể, danh dự và nhân phẩm của người dưới 16 tuổi. Đối tượng tác động của tội này là người dưới 16 tuổi.
-
Mặt khách quan của tội này bao gồm các hành vi như:
-
Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
-
Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi (không cần hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác).
-
Người từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
Liên hệ với vụ việc trên, nạn nhân là nữ vận động viên bị xâm hại tình dục khi chỉ khoảng 12, 13 tuổi (dưới 16 tuổi).
Người phạm tội trong vụ này bao gồm:
-
Bị can Công: thực hiện hành vi phạm tội khi chưa đủ 14 tuổi và khi đã đủ 14 tuổi nhưng dưới 16 tuổi.
-
Bị can Thành: thực hiện hành vi phạm tội khi chưa đủ 14 tuổi.
Theo đó, cả hai bị can đã nảy sinh ý định quan hệ tình dục với L., một lần bị can Thành thực hiện hành vi phạm tội không thành và nhiều lần cả hai bị can thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn với nạn nhân. Đồng thời, cả hai còn có hành vi đe dọa nạn nhân không được nói cho ai biết.
Như vậy, xét thấy:
-
Bị can Công đủ yếu tố cấu thành Tội hiếm dâm người dưới 16 tuổi theo Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
-
Đối với bị can Thành: chưa đủ 14 tuổi nên không thể cấu thành Tội hiếm dâm người dưới 16 tuổi theo Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), vì lúc này Thành chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này (tức là chưa thỏa yếu tố về chủ thể).
Phân tích tình tiết tăng nặng trong vụ việc
Theo Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sau:
"Điều 52. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
d) Phạm tội có tính chất côn đồ;
đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;
e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
g) Phạm tội 02 lần trở lên;
h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
i) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên;
k) Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội;
n) Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;
o) Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;
p) Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng."
Qua đó có thể thấy chỉ có 15 tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mới được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự này có nội dung và ý nghĩa tăng nặng khác nhau. Chính vì thế, việc áp dụng các tình tiết này đối với những người bị áp dụng cũng sẽ khác nhau.
Đối với tình tiết tăng nặng định khung hình phạt thì có ý nghĩa là những tình tiết làm thay đổi tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội được quy định cụ thể tại các khung tăng nặng của từng tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự. Chẳng hạn như Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:
-
Các tình tiết như: có tính chất loạn luân; làm nạn nhân có thai; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; phạm tội 02 lần trở lên; đối với 02 người trở lên; tái phạm nguy hiểm là những tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
-
Các tình tiết như: có tổ chức; nhiều người hiếp một người; đối với người dưới 10 tuổi; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; biết mình bị nhiễm hiv mà vẫn phạm tội; làm nạn nhân chết hoặc tự sát là những tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản 3 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Làm nạn nhân có thai là một trong những tình tiết tăng nặng của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
Tuy nhiên, lưu ý đối với quy định về tình tiết tăng nặng tại khoản 2 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng. Chẳng hạn như khi kết án một người về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi tại điểm đ khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” thì không áp dụng thêm điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để quyết định hình phạt cho họ.
Liên hệ với vụ việc trên, bị can Công được xác định là cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (như chúng tôi đã phân tích phía trên). Theo đó, Công đã thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần (cụ thể là 10 lần), trong đó có 05 lần thực hiện khi Công chưa đủ 14 tuổi và 05 lần thực hiện khi Công đã đủ 14 tuổi. Xét thấy, Công có hành vi phạm tội 02 lần trở lên được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Vì bị can Công được xác định phạm tội tại điểm đ khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nên sẽ không áp dụng thêm điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Kết luận
Đối với bị can Thành
Vì bị can Thành thực hiện hành vi khi chưa đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (chưa đủ 14 tuổi) nên không bị truy tố. Cho nên, bị can Thành sẽ được áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định của pháp luật.
Đối với bị can Công
Xét thấy bị can Công phạm tội được xác định tại điểm đ khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức khung hình phạt là phạt từ từ 12 năm đến 20 năm.
Tuy nhiên, thời điểm bị can Công phạm tội là khi chưa đủ 14 tuổi và khi đã đủ 14 tuổi nhưng dưới 16 tuổi, tức là tại thời điểm phạm tội, bị can Công vẫn chưa thành niên. Cho nên, căn cứ theo Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:
"5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
7. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm."
Đồng thời, theo Điều 101 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về phạt tù có thời hạn như sau:
"Điều 101. Tù có thời hạn
Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định."
Như vậy, đối với trường hợp của bị can Công thì mức phạt tù cao nhất có thể áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù của khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù, tức là mức phạt mà Công có thể bị áp dụng trong khung hình phạt từ 6 đến 10 năm tù.
Bản án nổi bật về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
Bản án số 14/2023/HS-ST ngày 10/08/2023 về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
Bị cáo: Nguyễn Hồng P, sinh ngày: 29/12/2004; nơi sinh: Cần Thơ.
Bị hại: Nguyễn Trần Thanh Thúy H, sinh ngày 16/11/2009.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Lê Hoàng N, sinh năm: 2004 (vắng mặt).
Tải bản án tại đây: Bản án 14/2023/HS-ST ngày 10/08/2023 về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
Tóm tắt vụ án
Bị cáo và người bị hại có thời gian làm quen, nhắn tin qua lại và phát sinh tình cảm nam nữ với nhau. Trong thời gian quen nhau bị cáo và người bị hại đã nhiều lần quan hệ tình dục.
Lần thứ nhất: ngày 01/9/2022, bị cáo nảy sinh ý định quan hệ tình dục với người bị hại và người bị hại đồng ý.
Lần thứ hai: tối 03/9/2022, bị cáo và người bị hại quan hệ tình dục với nhau một lần.
Lần thứ ba: trong thời gian từ 22 giờ ngày 20/10/2022 đến rạng sáng 21/10/2022, bị cáo thực hiện hành vi quan hệ tình dục với bị hại 04 lần.
Ngoài ra, từ ngày 03/9/2022 người bị hại đến sống cùng với bị cáo tại phòng trọ. Trong thời gian chung sống bị cáo và người bị hại còn nhiều lần quan hệ tình dục với nhau nhưng không nhớ thời gian cụ thể, tất cả những lần quan hệ tình dục giữa bị cáo với người bị hại đều có sự đồng thuận của người bị hại.
Ngày 14/12/2022, gia đình của người bị hại đưa cháu đến Trung tâm y tế quận B khám phát hiện thai khoảng 8 tuần và bác sĩ đã thủ thuật phá thai theo yêu cầu của gia đình bị hại.
Đến tối ngày 16/12/2022, giữa bị cáo và bị hại có xảy ra mâu thuẫn nên bị hại qua phòng số 4 cạnh bên phòng số 3 của bị cáo do Lê Hoàng N, sinh ngày 25/10/2004 đang thuê ở ngủ cùng với N. Đến rạng sáng ngày 17/12/2022, N nảy sinh ý định quan hệ tình dục với bị hại và bị hại đồng ý, sau đó cả hai quan hệ tình dục với nhau một lần.
Đến khoảng 14 giờ 20 phút, ngày 17/12/2023, bà Nguyễn Thị H1 (bà ngoại của bị hại) đi tìm bị hại thì phát hiện bị hại đang ở cùng với N nên đến Công an phường L trình báo toàn bộ sự việc.
Tại phiên tòa sơ thẩm
-
Bị cáo trình bày: khai nhận có mối quan hệ tình cảm nam nữ với người bị hại và đã thực hiện hành vi như đã nêu trong nội dung cáo trạng. Bị cáo thống nhất với phần phát biểu của người bào chữa và xin xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm hòa nhập cộng đồng làm người có ích cho xã hội.
-
Bị hại trình bày: Thừa nhận khi quen biết với bị cáo, bị hại có nói bị hại đã 17 tuổi. Xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và không có yêu cầu bị cáo phải bồi thường thêm.
Nhận định của Tòa án
-
Tính đến thời điểm bị cáo và người bị hại quan hệ tình dục lần đầu tiên (ngày 01/9/2022) thì người bị hại được 12 tuổi 09 tháng 15 ngày, còn bị cáo thì dưới 18 tuổi nhưng đã đủ 16 tuổi. Hành vi nhiều lần quan hệ tình dục đối với người dưới 13 tuổi của bị cáo đã cấu thành tội “ Hiếp dâm người dưới 16 tuổi ” được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự.
-
Người bị hại đã phá thai nên việc giám định không thực hiện được, vì vậy chưa đủ cơ sở để xác định việc người bị hại có thai là kết quả của việc quan hệ tình dục giữa bị cáo và người bị hại. Nên không thống nhất với Viện kiểm sát về tình tiết định khung theo điểm b khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự.
-
Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Thời điểm phạm tội bị cáo chưa thành niên nên có áp dụng Điều 91, 101 Bộ luật Hình sự khi quyết định hình phạt đối với bị cáo.
Quyết định của tòa
Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Hồng P phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.
-
Cơ sở pháp lý: điểm đ khoản 2 Điều 142; Điều 38; Điều 50; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 91; Điều 101 Bộ luật hình sự. Điều 327 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
-
Mức phạt: 07 (bảy) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Thời hạn phạt tù tính từ ngày 23/3/2023.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Toàn cảnh vụ án Hậu Pháo: Số cựu quan chức vướng lao lý, tài sản bị phong tỏa và thu giữ (21.03.2025)
Hai vợ chồng lĩnh án tù vì trộn hàn the vào giò chả bán ra thị trường (21.03.2025)
Tội trốn thuế bị xử lý thế nào? Trốn thuế gồm những hành vi nào? (21.03.2025)
Phân tích pháp lý vụ hung thủ sát hại 4 người thân "Do quá nghèo" tại Hà Nội (20.03.2025)
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh Đức bị khởi tố, bắt tạm giam (20.03.2025)
Phân tích pháp lý vụ tài xế Mercedes rút kiếm dọa nhân viên môi trường (20.03.2025)
Phân tích pháp lý vụ việc giám đốc doanh nghiệp tự ý bán trái phép gần 1.500 m2 đất của dân (20.03.2025)
Hiểu rõ về tội nhận hối lộ: Phân tích chi tiết theo bộ luật hình sự hiện hành (19.03.2025)