>>> Đánh nhau, chém nhau gây thương tích bao nhiêu % thì bị đi tù?
>>> Vượt đèn đỏ gây tai nạn chết người có bị truy cứu hình sự không?
Đánh người sau va chạm giao thông bị xử phạt như thế nào?
Đánh người sau va chạm giao thông có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân: bực tức do bị va quẹt, gây hư hỏng phương tiện giao thông, bị thương hoặc chứng kiến người quen, người thân bị thương sau va chạm, trong một số tình huống xuất phát từ hành vi hung hãn, lợi dụng sự va chạm giao thông để lấy cớ đánh người…Tuy nhiên vì lý do gì thì hành vi đánh người vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trách nhiệm dân sự
Việc đánh người có thể gây tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của người khác. Do đó, căn cứ Điều 584, 585, 590, 591, 592 Bộ luật Hình sự năm 2015, người có hành vi đánh người có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi của mình gây ra nếu nạn nhân khởi kiện ra Tòa án yêu cầu người có hành vi đánh người phải bồi thường thiệt hại.
Mức bồi thường được xác định dựa trên thực hại thực tế: bao gồm bồi thường về vật chất và bồi thường về tinh thần (nếu có).
Trách nhiệm hành chính
Hành vi hành hung người khác sau va chạm giao thông, dù chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, nhưng nếu gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho nạn nhân, vẫn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Mức phạt tiền cho hành vi này từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, tùy thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Ngoài ra, cũng theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 5 Điều này;
…
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này;
b) Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;
b) Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương;...”
Như vậy, người có hành vi đánh người có thể bị xử lý về hành vi gây mất mất trật tự công cộng, lôi kéo, xúi giục người khác gây thương tích,...(nếu có) tùy từng trường hợp với tình tiết cụ thể theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Hành vi đánh người sau va chạm giao thông có thể bị xử lý về hành vi gây thương tích, gây mất trật tự công cộng,...
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người có hành vi đánh người sau va chạm giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Điều 134 Bộ luật Hình sự:
“Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Người có hành vi đánh người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% thuộc một trong các trường hợp như dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; dùng axit nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; có tính chất côn đồ... thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mức phạt nặng nhất đối với tội danh này có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Trường hợp người có hành vi gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác gây rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng... thì bị phạt tù từ 02 đến 07 năm.
Nếu dùng vũ lực, có hành vi pháp phách, gây cản trở giao thông nghiêm trọng có thể bị truy cứu TNHH
Lợi dụng việc va chạm giao thông để đánh người sẽ bị xử phạt thế nào?
Như đã phân tích ở trên, lợi dụng việc va chạm giao thông để đánh người có thể phải gánh chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự.
Việc người có hành vi lợi dụng việc va chạm tai nạn giao thông để đánh người có thể chịu trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự. Tức là có thể vừa bị phạt hành chính, vừa phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa bị kết tội theo pháp luật hình sự, vừa phải bồi thường thiệt hại.
Nên làm gì khi xảy ra va chạm giao thông?
Khi xảy ra va chạm giao thông, dù là bên có lỗi hay không có lỗi, bị thiệt hại hay không cũng cần bình tĩnh xử lý tuỳ vào tình huống, loại phương tiện:
Khi di chuyển bằng ôtô xảy ra tai nạn
Ở những khu vực đông người, có những đối tượng bất hảo thường có hành vi lợi dụng sự va chạm để trộm cắp vặt tài sản của người bị va chạm giao thông, những đối tượng này thường không giúp đỡ người bị va chạm hoặc giúp đỡ lấy lệ, cố gắng tạo áp lực làm cho vụ việc phức tạp, tạo thời cơ thuận lợi cho chúng chiếm đoạt tài sản… Theo đó, nhiều vụ va chạm giao thông nhỏ nhưng lại trở thành vụ việc nghiêm trọng do sự kích động của các đối tượng này.
Khi điều khiển ôtô va chạm với người điều khiển xe máy, nếu chỉ va chạm nhẹ, không phải là tai nạn nghiêm trọng, không cần thiết phải giữ nguyên hiện trường nên tài xế ôtô cần phải bình tĩnh thực hiện một số thao tác lái xe an toàn như: bật đèn xin đường, tấp xe vào lề phải, kéo thắng tay, bấm nút lock cửa xe hoặc khóa cửa xe khi xuống xe… Nhằm tránh ùn tắc giao thông, bảo vệ tài sản trên xe, tránh bị kẻ gian lợi dụng trộm cắp, tác động đến tâm lý của người bị va chạm và cả những người xung quanh, cho thấy tài xế là người bình tĩnh, hiểu luật, sẵn sàng xử lý tình huống, không có ý định bỏ chạy, làm cho kẻ gian xung quanh phải e ngại.
Sau khi xuống xe, nếu quan sát thấy người bị va chạm bị thương tích hãy dìu họ vào trong lề đường, đề nghị đưa họ đi cấp cứu. Nếu họ đồng ý, yêu cầu họ ngồi gần ôtô, mượn chìa khóa xe máy của họ, dắt xe máy vào lề đường. Nếu họ có người đi cùng, yêu cầu người đó điều khiển xe máy hoặc giao lại xe để họ trông.
Nếu họ đi một mình, cần phải giúp họ gửi xe máy ở hộ dân ven đường trước khi đưa họ đi cấp cứu, nếu xung quanh không có nhà dân, cần phối hợp với họ để nhờ người thân đến trông xe. Trong quá trình này, có thể có nhiều đối tượng gây áp lực, tài xế cần bình tĩnh ứng xử, chỉ tập trung vào việc đưa nạn nhân đi cấp cứu, tránh gây tranh cãi dẫn đến xích mích, đánh nhau.
Nếu quan sát nhận thấy người bị va chạm không bị thương, xe không hư hỏng nặng, có thái độ hung hăng… tài xế ôtô không nên tiến đến hiện trường nơi va chạm mà nên đứng chờ ở lề đường. Có thể họ sẽ đến để nói chuyện phải trái hoặc có ý định tấn công, nên tài xế cần giữ bình tĩnh, đứng tựa lưng vào cửa xe ngay ghế tài xế, đề phòng bị tấn công từ sau lưng, nếu họ tranh luận về lỗi, hãy bình tĩnh yêu cầu họ nói trước và lắng nghe với thái độ chăm chú, cầu thị. Nếu phần lỗi rõ ràng thuộc về tài xế ôtô, cần phải nhẹ nhàng xin lỗi, mong họ thông cảm, nếu họ yêu cầu bồi thường, chấp nhận thương lượng bồi thường hợp lý. Nếu họ đòi bồi thường quá cao, vô lý, có biểu hiện ăn vạ, đám đông gây áp lực cần phải tạo cớ trì hoãn để nhờ sự trợ giúp của cơ quan chức năng. Có thể lấy lý do không đem theo nhiều tiền, cần gọi cho người thân đem tiền lại, sau đó tránh ra xa hoặc vào ôtô khóa cửa gọi cho cơ quan công an gần nhất để xin trợ giúp.
Nếu phần lỗi thuộc về người điều khiển xe máy, sau khi để họ nói xong, tài xế cần nhẹ nhàng phân tích dựa trên cơ sở luật giao thông đường bộ. Nếu người bị va chạm không nhận lỗi mà luôn khẳng định mình không có lỗi, có thái độ hung hăng, khiêu khích, muốn sử dụng vũ lực, tài xế ôtô cần giữ khoảng cách an toàn, chọn hướng nào dễ chạy nhất để thoát thân, tránh bị các đối tượng đánh hội đồng, gây thương tích. Sau đó cần báo ngay với cơ quan công an gần nhất để xin nhận sự trợ giúp.
Trường hợp khi va chạm với người điều khiển xe máy, nếu họ có bạn bè cùng đi, có thái độ hung hăng, gây hấn, muốn sử dụng vũ lực, bao vây quanh xe ôtô… nếu nhận thấy tình thế nguy hiểm, tài xế ôtô không cần lái xe bỏ chạy ngay mà nên cố thủ trong xe, lập tức gọi điện cho cơ quan công an gần nhất, nói rõ tình huống nguy hiểm để xin trợ giúp. Nếu các đối tượng hung hăng đập phá xe, có thể dùng điện thoại ghi hình diễn biến vụ việc hoặc ghi nhớ đặc điểm nhân dạng, đặc điểm phương tiện để trình báo cơ quan công an.
Trong tình huống các đối tượng sử dụng hung khí đập phá cửa, có ý định tấn công, nhận thấy nguy hiểm, tài xế cần tính toán để lái xe chạy thoát. Thông thường các đối tượng sẽ dùng xe máy, người chặn đầu xe, tài xế có thể lùi xe với tốc độ nhanh sau đó lái xe vượt qua sự ngăn cản của các đối tượng. Sau đó cần trình báo với cơ quan công an sở tại để ghi nhận, xử lý vụ việc.
Trong trường hợp người điều khiển xe máy va chạm với ôtô nhưng không dừng xe lại để xử lý mà bỏ chạy, nếu đường vắng có thể đuổi theo yêu cầu họ dừng lại để giải quyết, nếu đường đông tuyệt đối không nên đuổi theo để tránh xảy ra tai nạn giao thông.
Nếu va chạm với phương tiện khác là xe ôtô, tài xế cần dừng xe tại hiện trường, kéo thắng tay, bấm clock cửa khi rời xe để giải quyết. Khi thương lượng với người bị va chạm, nếu nhận thấy họ có thái độ ôn hòa có thể thương lượng giải quyết hợp lý, đề nghị họ lái xe tấp vào lề đường để giải tỏa ùn tắc giao thông. Nếu va chạm dẫn đến thiệt hại nặng, tốt nhất nên giữ nguyên hiện trường chờ lực lượng cảnh sát giao thông đến giải quyết, yêu cầu đơn vị bảo hiểm ghi nhận lại vụ việc.
Trường hợp nhận thấy người va chạm có thái độ hung hăng, gây hấn, muốn sử dụng vũ lực… cần phải giữ khoảng cách an toàn với đối tượng. Nếu bị tấn công hãy cố gắng tránh xa, gọi ngay cho cơ quan công an gần nhất đến giải quyết. Trước tiên cần quan tâm bảo đảm an toàn cho bản thân và người cùng đi trên xe thay vì lo sợ các đối tượng đập phá xe.
Khi di chuyển bằng xe máy xảy ra va chạm
Khi di chuyển bằng xe máy nếu xảy ra va chạm với các phương tiện khác, chẳng hạn như va chạm với ôtô, nếu người điều khiển xe máy có lỗi cũng không nên bỏ chạy mà cần dừng lại để xử lý. Trước tiên cần phải nhẹ nhàng xin lỗi tài xế ôtô, thương lượng bồi thường, nếu tài xế ôtô đòi bồi thường quá cao, vô lý, thương lượng không thành có thể gọi điện báo cơ quan công an xin trợ giúp giải quyết.
Trường hợp nhận thấy tài xế ôtô không kiềm chế, có thái độ hung hăng, muốn sử dụng vũ lực, người điều khiển xe máy cần giữ khoảng cách an toàn, cố gắng tránh đòn và thoát thân. Sau đó trình báo vụ việc với cơ quan công an.
Trường hợp xe ôtô va chạm nhưng không dừng lại để giải quyết mà bỏ chạy, nếu xét thấy không bị thiệt hại không nghiêm trọng thì nên bỏ qua. Nếu bị thiệt hại nghiêm trọng, xét thấy hành vi của tài xế ôtô phải bị xử lý hoặc có thể gây nguy hiểm cho người khác cần phải ghi nhận đặc điểm xe ôtô sau đó báo với cơ quan công an gần nhất để ghi nhận, xử lý. Tuyệt đối không liều lĩnh đuổi theo, chạy xe vào làn xe ôtô, có hành vi quá khích dẫn đến hành vi vi phạm tội hoặc gây tai nạn giao thông.
Trường hợp người điều khiển xe máy va chạm với xe máy khác khi đang lưu thông. Trong tình huống này, người điều khiển xe máy có thể đối mặt với hai mối nguy hiểm đến từ người bị va chạm và các đối tượng bất hảo tại hiện trường vụ va chạm. Người bị va chạm có thể có hành vi tấn công vũ lực hoặc các đối tượng bất hảo có thể lợi dụng sơ hở để trộm cắp tài sản của người điều khiển xe máy. Vì vậy, trong tình huống này, nếu nhận thấy lỗi thuộc về mình, người điều khiển xe máy cần chủ động nhẹ nhàng xin lỗi người va chạm, mong được bỏ qua, đề nghị bồi thường thiệt hại. Trong quá trình thương lượng giải quyết cần khóa cổ xe, cất giữ chìa khóa xe ở nơi an toàn, kiểm tra tài sản mang theo tránh bị kẻ gian lợi dụng trộm cắp. Nếu họ chấp nhận có thể thương lượng để bồi thường. Tuy nhiên, nếu họ đòi hỏi vô lý, không nên phản đối ngay mà trì hoãn kéo dài thời gian, sau đó bí mật báo cơ quan công an gần nhất nhờ trợ giúp, giải quyết. Nếu họ không có thiện chí, cố tình gây hấn, sử dụng vũ lực cần phải giữ khoảng cách an toàn, chọn vị trí thuận lợi để phòng thủ hoặc thoát thân. Sau đó phải báo ngay vụ việc với cơ quan công an gần nhất để ghi nhận, xử lý.
Trường hợp nhận thấy lỗi thuộc về người điều khiển xe máy khác, nếu hậu quả không nghiêm trọng, cho dù họ có xin lỗi hay không cũng nên bỏ qua, không nên dùng những từ gây ức chế cho người bị va chạm hoặc cố tình gây khó khăn cho họ.
Nếu người va chạm có lỗi nhưng không nhận lỗi, cũng không bỏ đi mà cố tình tranh luận, tạo cớ gây hấn, người điều khiển xe máy cần bình tĩnh, đề nghị họ tấp xe vào lề để giải quyết. Khi họ muốn tranh luận, hãy tỏ thái độ chú ý lắng nghe, sau khi họ nói xong mới phân tích luật để họ nhận ra được lỗi của mình. Nếu họ nhận lỗi, đề nghị bồi thường, nếu thiệt hại nghiêm trọng có thể yêu cầu họ bồi thường hợp lý, không nghiêm trọng có thể bỏ qua.
Trường hợp, người va chạm sau khi nghe giải thích vẫn không nhận lỗi và có thái độ gây hấn, muốn sử dụng vũ lực để giải quyết, người điều khiển xe máy phải giữ khoảng cách an toàn, di chuyển để đối tượng không tiến lại gần, có thể di chuyển quanh một vật che chắn hoặc chạy theo hình tròn để tránh đòn hoặc thoát thân. Lúc này không nên quan tâm đến tài sản mà chỉ cần quan tâm đến an toàn của bản thân. Sau khi thoát ra được cần phải báo ngay với cơ quan công an sở tại để ghi nhận, xử lý vụ việc.
Như vậy, để an toàn khi bị va chạm giao thông, người bị va chạm cần phải bình tĩnh, có thái độ ứng xử văn minh và có kỹ năng xử lý an toàn để bảo đảm an toàn cho bản thân và tài sản mang theo.
Tuyệt đối không nên: Đứng lại đôi co, tranh luận, gây xích mích với đối tượng bất hảo dẫn đến hành vi phạm tội hoặc thiệt hại do hành vi gây hấn, tấn công của đối tượng.
Liên tiếp xảy ra các vụ hành hung sau va chạm giao thông
Bình Phước: Người đánh tài xế xe tải trong cabin bị tạm giữ hình sự
Ngày 16/12/2024, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh nam tài xế xe tải bị một người đàn ông liên tục đá, đấm vào đầu, vào người.
Thời điểm này, ngồi bên ghế phụ còn có một người phụ nữ bồng con nhỏ. Dù người phụ nữ can ngăn nhưng người đàn ông vẫn hung hăng tấn công nam tài xế khiến đứa trẻ khóc thét.
Sau khi tiếp nhận sự việc, Công an thành phố Đồng Xoài (Bình Phước) đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác nhận vụ việc: Chiều 15/12, anh C. chở hàng cho khách từ thành phố Dĩ An (Bình Dương) đi thành phố Đồng Xoài (Bình Phước). Trong lúc chạy xe trên đường ĐT 741, anh C. thấy một chiếc xe bán tải đi chậm và sát lề đường, anh C. cho xe lách qua để vượt lên rồi đi tiếp. Khi đến chỗ dừng đèn đỏ, Hoàng Anh từ xe bán tải bước xuống leo lên cabin xe tải đá, đấm liên tiếp vào người, vào đầu anh C. bất chấp người phụ nữ ôm đứa trẻ ngồi ghế phụ can ngăn.
Ngày 17/12, Công an thành phố Đồng Xoài đã ra quyết định tạm giữ hình sự Bùi Văn Hoàng Anh để điều tra về các hành vi gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích.
Người đánh tới tấp cô gái sau va chạm giao thông bị khởi tố
Vụ việc xảy ra như sau: Khoảng 7h ngày 10/12/2024, trước cửa Trung tâm thể dục thể thao quận 4, xe máy của cô gái 23 tuổi va chạm xe của Bùi Thanh Khoa (40 tuổi) - đang đi cùng chiều phía trước. Va quẹt không gây hư hỏng xe, không gây thương tích, song Khoa dừng lại giữa đường, xông đến đấm nhiều cái vào đầu cô gái. Nạn nhân ngã ngửa ra đường nhưng vẫn tiếp tục bị Khoa đá vào mặt, bật cả mũ bảo hiểm. Khi Khoa định tiếp tục đánh nạn nhân thì tài xế xe 16 chỗ chạy chiều ngược lại la lên, cảnh cáo.
Sự việc diễn ra được camera hành trình trên ôtô của cán bộ một trường đại học đi phía sau ghi hình.
Nhận được tin báo, cơ quan công an quận 4 nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác định: nghi can là Bùi Thanh Khoa (40 tuổi), đang cư trú tạị trấn Nhà Bè.
Nhận thấy hành vi của Khoa: dùng tay, cùi trỏ và đá liên tiếp vào mặt và vùng đầu của cô gái (vùng nguy hiểm) gây thương tích; thực hiện hành vi tại nơi có nhiều người qua lại là hành vi hung hãn xem thường pháp luật, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân nên cần xử lý nghiêm để răn đe nên ngày 13/12, Khoa bị Công an quận 4, khởi tố, tạm giam để điều tra hành vi Cố ý gây thương tích.
Hành vi đánh người khi xảy ra va chạm giao thông, đặc biệt là khi gây thương tích hoặc hậu quả nghiêm trọng hơn, sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng về việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân. Việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn không gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả người gây ra hành vi và người bị hại, phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự