“Biện pháp Khẩn cấp Tạm thời” (BPKCTT) là một công cụ pháp lý có sức cưỡng chế mạnh mẽ trong các vụ tranh chấp dân sự. Nó tạo ra hậu quả pháp lý ngay lập tức đến đối tượng bị áp dụng bởi Quyết định Áp dụng BPKCTT có hiệu lực như một Bản án Phúc thẩm, tức có giá trị thi hành ngay khi ban hành.
Người làm nghề thì ai cũng nhận thức rõ giá trị của một Quyết định Áp dụng BPKCTT có sức công phá như thế nào. Vì vậy, trong nhiều Vụ tranh chấp nếu người dân tìm đến Luật sư nhờ giải quyết thì các Luật sư có nghề sẽ phải cân nhắc sử dụng ngay công cụ pháp lý này nếu xét tính chất của Vụ án và điều kiện áp dụng đã hội đủ.

Một ví dụ gần đây mà văn phòng tôi khi tiếp nhận Vụ việc đã phải sử dụng BPKCTT, đó là phong tỏa tài khoản ngân hàng của Bị đơn, vì người này đứng ra nhận tiền bán nhà giùm Khách hàng của chúng tôi nhưng đã có dấu hiệu muốn chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. Trong vụ án này, nếu Nguyên đơn không kịp thời đề nghị áp dụng BPKCTT mà đợi Tòa án tiến hành các thủ tục giải quyết Vụ án, ra Bản án thì chắc lúc thắng kiện cũng chỉ cầm được tờ giấy có “mộc” của Tòa án chứ không thể thu hồi tiền được, vì Bị đơn đã tẩu tán hết tài sản rồi.
Trong các vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai, nhà ở mà chúng tôi thường xuyên giải quyết thì một trong những BPKCTT được áp dụng nhiều nhất đó là “Cấm chuyển dịch về quyền tài sản đang tranh chấp” và “cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp”. Nếu biện pháp “Cấm chuyển dịch về quyền tài sản đang tranh chấp” sẽ ngăn chặn hành vi sang tên, chuyển nhượng của chủ thể đang “đứng tên trên sổ đỏ”, thì biện pháp “cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp” có hiệu quả trong các vụ án liên quan đến tranh chấp Hợp đồng thuê tài sản (nhà ở, nhà xưởng, thiết bị máy móc) vì giúp ngăn cản chủ thể đang chiếm hữu có hành vi tháo gỡ, lắp ghép hay các hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản, hoặc đặc tính, công năng của tài sản. Trong nhiều trường hợp, việc cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp còn giúp bảo vệ được chứng cứ. Chẳng hạn như tranh chấp về lấn ranh đất, hay bồi thường do nhà hàng xóm xây dựng gây thiệt hại, thì việc ngăn chặn hành vi tiếp tục xây dựng là cần thiết để tránh thiệt hại xảy ra thêm cho bên bị ảnh hưởng từ hành vi vi phạm của bên kia và cũng nhằm bảo vệ chứng cứ (hiện trường). Thậm chí về mặt quản lý hành chính trong lĩnh vực đất đai và đô thị, khi có đơn khiếu nại từ một hay nhiều hộ dân về hành vi xây nhà gây lún, sạt, nứt tường của nhà bên cạnh thì các cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ yêu cầu chủ công trình tạm ngưng thi công để giải quyết tranh chấp.
Kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài sản của bên có nghĩa vụ trả nợ cũng là biện pháp thường được áp dụng mà gần đây có khách hàng bị tác động đã phải nhờ Luật sư chúng tôi hỗ trợ. Trường hợp khác, nếu tranh chấp liên quan mua bán nông, thủy hải sản thì Biện pháp “Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác” lại cần thiết nhằm giảm thiểu thiệt hại cho tài sản, vì qua thời gian hàng hóa này có thể bị hư hỏng, giảm chất lượng, mất giá trị.
Giá trị của BPKCTT có nhiều ưu điểm như thế, nhưng thủ tục để được Tòa án chấp nhận thực hiện không phải dễ. Mặc dù Bộ luật Tố tụng Dân sự qua các thời kỳ (2005 và 2015) có quy định hẳn hoi một Chương riêng với hơn ba mươi điều khoản quy định về các BPKCTT, nhưng để áp dụng vào thực tế được dễ dàng thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao vẫn phải ban hành một Nghị quyết chỉ để điều chỉnh riêng vấn đề này. Nếu trước đây, Tòa án áp dụng theo Nghị quyết 02/2005/NQ-HĐTP (ban hành ngày 27/04/2005) để thụ lý giải quyết các đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT của người dân, thì kể từ ngày 01/12/2020 Tòa án cả nước sẽ phải căn cứ Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP được Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao ban hành 24/09/2020 để giải quyết yêu cầu cho người dân.
Về thủ tục chung từ trước đến nay, từ luật cũ đến luật mới vẫn đi theo trình tự là:
(i) Đương sự yêu cầu áp dụng BPKCTT;
(ii) Tòa án xem xét nếu thấy nội dung đơn và hình thức đơn phù hợp thì yêu cầu Người có đơn phải có bản giải trình dự kiến thiệt hại (trong trường hợp buộc thực hiện biện pháp bảo đảm). Nếu thấy đơn không phù hợp thì yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung;
(iii) Thẩm phán nếu chấp nhận yêu cầu áp dụng BPKCTT thì ban hành Quyết định thực hiện biện pháp bảo đảm để Người yêu cầu thực hiện, như gửi một khoản tiền vào Ngân hàng mà Tòa án chỉ định. Biện pháp này nhằm đảm bảo trách nhiệm bồi thường của Người yêu cầu nếu yêu cầu sai mà gây ra thiệt hại cho Người Bị áp dụng BPKCTT:
(iv) Người yêu cầu đóng tiền bảo đảm xong, thì Tòa ra Quyết định áp dụng BPKCTT ngay.
Bước thứ (iii) là bước gây khó cho người dân nhất, bởi số tiền thực hiện biện pháp bảo đảm này được các Tòa án áp dụng một cách tùy nghi và không thống nhất. Chẳng hạn, cũng là kê biên một căn nhà có giá trị 03 tỷ đồng, nhưng có Tòa thì yêu cầu đóng ký quỹ 100 triệu, nhưng có Tòa thì cho đóng đến 300 triệu. Mỗi Tòa đều có cách giải thích khác nhau về số tiền ký quỹ này cũng bởi tại vì chưa có văn bản pháp luật quy định rõ về vấn đề này.
Trước thực tiễn như trên, Nghị quyết mới đã có sự thay đổi quan trọng đó là quy định rất cụ thể mức đóng biện pháp bảo đảm như sau: “Để ấn định một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thì Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử phải dự kiến và tạm tính có tính chất tương đối thiệt hại thực tế có thể xảy ra nhưng không thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trừ trường hợp có chứng cứ rõ ràng chứng minh tổn thất hoặc thiệt hại thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”.
Như vậy, kể từ ngày 01/12/2020 trở đi, nếu chúng ta đề nghị Tòa áp dụng BPKCTT, thì Người yêu cầu phải chuẩn bị sẵn một khoản tiền (hoặc các tài sản khác theo quy đinh) có giá trị tối thiểu bằng 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng BPKCTT.
Tuy nhiên, giá tạm tính là giá trị như thế nào? Cách tính ra sao? Khi nào được áp dụng mức đóng dưới 20% như quy định mới? những nội dung này đã được đội ngũ pháp lý chúng tôi thảo luận sôi nổi tại bổi đào tạo nội bộ hàng tháng vừa được diễn ra tại thành phố Đà Lạt trong chuyến nghỉ dưỡng cuối năm vừa rồi với sự tham gia của các Luật sư chính, trong đó có Luật sư Thành viên Cao cấp Trần Văn Sự (Nguyên Phó Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh, Chánh Toà Kinh tế) đã chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm xét xử các vụ án thực tế trong lĩnh vực mà ông từng quản lý tại Toà án. Qua đó, buổi huấn luyện đã giúp đội ngũ Luật sư LHLegal nắm vững hơn các kỹ năng, nghiệp vụ liên quan đến áp dụng BPKCTT.
#BPKCTT #lhlegal #khancaptamthoi
- KHI NÀO CHỦ NHÀ ĐƯỢC QUYỀN CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ? (20.05.2019)
- CÃI NHAU HAY THUYẾT PHỤC? (25.11.2020)
- Chơi hụi từ 100 triệu trở lên phải thông báo cho Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường biết (22.03.2019)
- DỄ MẤT ĐẤT VÌ MUA GIẤY TAY (15.10.2020)
- Trách nhiệm Hình sự của Pháp Nhân (29.01.2019)
- DẤU HIỆU NÀO BUỘC TA PHẢI DỪNG THƯƠNG LƯỢNG ? (17.09.2020)
- Thay đổi nổi bật trong thủ tục đăng ký Doanh nghiệp có hiệu lực tư ngày 10/10/2018 (29.01.2019)
- KHỞI TỐ NGƯỜI PHỤ NỮ BẮT CÓC BÉ TRAI 2 TUỔI Ở BẮC NINH. HIỂU THẾ NÀO VỀ TỘI CHIẾM ĐOẠT NGƯỜI DƯỚI16T (25.08.2020)
- THÔNG BÁO TẬP TRUNG KINH TẾ CẦN CÓ NHỮNG HỒ SƠ GÌ? (14.08.2020)
- QUYỀN YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VÌ BỊ XÂM PHẠM BẰNG ĐỘC QUYỀN SÁNG CHẾ (04.08.2020)